Hiện nay, do lối sống thiếu khoa học, chủ quan, tình trạng gan nhiễm mỡ ngày càng phổ biến hơn trong xã hội. Tuy là một bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí tử vong. Vậy gan nhiễm mỡ biểu hiện như thế nào? Cách điều trị ra sao? Cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Tổng quan về bệnh gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ lượng lớn mỡ trong gan. Ở người khỏe mạnh bình thường, mỡ trong gan chỉ chiếm từ 2-4% trọng lượng của gan. Khi mắc bệnh, con số này có thể lên đến 5-10% hoặc thậm chí cao hơn thế. Do đó, chức năng gan bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, việc chuyển hóa thức ăn, cung cấp chất dinh dưỡng và thanh lọc giải độc cho cơ thể cũng ngày càng suy giảm.
Gan nhiễm mỡ làm ảnh hưởng tới chức năng gan
Tình trạng gan nhiễm mỡ kéo dài còn có nguy cơ diễn biến phức tạp, chuyển nặng thành xơ gan, ung thư gan và đe dọa tính mạng người bệnh. Vì vậy cần phát hiện và điều trị kịp thời.
2. Nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ
Có 2 nhóm nguyên nhân chính gây bệnh gan nhiễm mỡ là do rượu và không do rượu.
2.1 Nguyên nhân do rượu
Gan nhiễm mỡ do rượu tiến triển nhanh, thường dễ dẫn tới phá hủy chức năng gan nghiêm trọng, xơ gan, ung thư gan. Bệnh được xếp thành nhóm riêng và được điều trị đặc biệt.
Gan nhiễm mỡ do rượu
2.2 Nguyên nhân không do rượu
Ngoài rượu, gan nhiễm mỡ còn có thể do rối loạn chuyển hóa lipid ở những người:
Gan nhiễm mỡ không do rượu
– Béo phì, thừa cân, mỡ máu cao.
– Tiểu đường, tình trạng kháng Insulin.
– Gen di truyền.
– Người suy dinh dưỡng.
– Tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc: Steroids, Tamoxifen, Aspirin hay Tetracyclin,…
– Rối loạn lipid máu.
3. Bệnh gan nhiễm mỡ có triệu chứng gì?
Hầu hết bệnh nhân đều không biết mình mắc bệnh gan nhiễm mỡ mà chỉ tình cờ phát hiện ra khi đi khám bệnh. Lý do là bởi bệnh này ít có triệu chứng rõ ràng, khó nhận biết. Những dấu hiệu đầu tiên như thấy hơi khó chịu, đau âm ỉ vùng bụng phải, thường xuyên mệt mỏi. Bệnh nhân có thể dễ bị nhầm tưởng do làm việc quá sức và không để tâm nhiều.
Triệu chứng của gan nhiễm mỡ
Khi chuyển biến nặng hơn, tình trạng xơ gan xuất hiện có một số biểu hiện rõ rệt hơn:
– Vàng da kèm theo vàng mắt.
– Lòng bàn tay son, các sao mạch nhìn thấy rõ.
– Cổ trướng (dịch ổ bụng), lách to.
– Chán ăn, gầy sút cân nhanh chóng.
4. Gan nhiễm mỡ có mấy giai đoạn?
Gan nhiễm mỡ gồm 3 cấp độ
Gan nhiễm mỡ tiến triển qua 3 cấp độ chính:
4.1 Gan nhiễm mỡ cấp độ 1
Đây là giai đoạn đầu tiên, triệu chứng bệnh nhẹ, chưa rõ rệt, chưa ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tỉ lệ mỡ chiếm từ 5-10% trọng lượng gan. Việc điều chỉnh chế độ ăn cùng với thay đổi thói quen sinh hoạt, tập luyện thể dục có thể cải thiện rõ rệt tình trạng bệnh ở giai đoạn này.
4.2 Gan nhiễm mỡ cấp độ 2
Giai đoạn phát triển của bệnh, lượng mỡ đã chiếm từ 10-25% trọng lượng gan, mô mỡ lan rộng. Những triệu chứng vẫn chưa rõ ràng, sức khỏe chưa ảnh hưởng nhiều. Đây là giai đoạn bắt đầu báo động, cần điều trị sớm, kết hợp với chỉ định của bác sĩ.
4.3 Gan nhiễm mỡ cấp độ 3
Là giai đoạn tiến triển cuối cùng, khi lượng mỡ chiếm hơn 25% trọng lượng gan. Có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng gồm: viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan,… Bệnh lúc này ở mức cảnh báo nguy hiểm, khó hồi phục, chỉ điều trị giảm nhẹ các triệu chứng.
Vậy gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không? Để được giải đáp thắc mắc, mời quý bạn đọc tham khảo bài viết: Mức độ nguy hiểm của gan nhiễm mỡ
5. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh gan nhiễm mỡ
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ hình thành do dư thừa mỡ trong gan nên một loạt các yếu tố có thể dẫn đến tình trạng này, bao gồm:
– Hàm lượng cholesterol, triglyceride trong máu tăng cao.
– Suy giáp, suy tuyến yên.
– Béo phì, béo bụng.
– Buồng trứng đa nang.
– Phụ nữ mang thai.
– Phẫu thuật dạ dày.
– Hội chứng rối loạn chuyển hóa.
6. Chẩn đoán gan nhiễm mỡ
Cách chẩn đoán gan nhiễm mỡ
Trên lâm sàng, các bác sĩ có thể dự đoán tình trạng bệnh thông qua các triệu chứng cổ trướng, gan to, lách to và biểu hiện bên ngoài của bệnh nhân. Cận lâm sàng sử dụng các xét nghiệm sau để chẩn đoán chính xác và đưa ra biện pháp điều trị kịp thời:
6.1 Xét nghiệm máu
Kiểm tra các chỉ số Cholesterol, Triglycerid trong máu, men gan AST, ALT, GGT xem có tăng không. Kiểm tra thêm lượng Bilirubin, Albumin, đông máu cơ bản, protein máu nếu nghi ngờ xơ gan.
6.2 Xét nghiệm Virus viêm gan
Kiểm tra Virus viêm gan B, viêm gan C để phát hiện viêm gan kết hợp.
6.3 Siêu âm ổ bụng
Hình ảnh gan tăng âm cho kết quả chẩn đoán gan nhiễm mỡ chính xác và nhanh chóng. Nghi ngờ xơ gan hãy thực hiện siêu âm đo độ đàn hồi của gan.
7. Bệnh gan nhiễm mỡ điều trị như thế nào?
Hiện nay, chưa có một loại thuốc đặc trị nào có thể sử dụng để loại bỏ ngay trình trạng gan nhiễm mỡ. Điều quan trọng nhất là người bệnh phải thiết lập một chế độ ăn uống, dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt điều độ và hợp lý kết hợp với điều trị bệnh lý khác đi kèm.
7.1 Giảm cân
Đây là việc bắt buộc phải thực hiện ở những đối tượng thừa cân, béo phì. Giảm cân sẽ giúp cải thiện đáng kể các tổn thương gan, đồng thời giảm tình trạng kháng Insulin.
Nên thực hiện chế độ ăn kiêng, rèn luyện thể thao giúp giảm cân nhanh chóng, cơ thể khỏe mạnh hơn. Không nên dùng thuốc, thực phẩm chức năng để giảm cân, không nên ăn kiêng quá mức. Cần giảm cân đúng cách, khoa học để tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Giảm cân giúp điều trị gan nhiễm mỡ
Trong trường hợp người bệnh không thể đạt được mục tiêu giảm cân trong 6 tháng, cùng với xuất hiện viêm gan nhiễm mỡ, cần phải tiến hành phẫu thuật cắt một phần dạ dày rồi nối thông dạ dày-ruột (nối vị tràng).
7.2 Sử dụng Vitamin E
Vitamin E giúp điều trị gan nhiễm mỡ
Một số nghiên cứu thực hiện trên đối tượng viêm gan nhiễm mỡ không kèm đái tháo đường chỉ ra Vitamin E có tác dụng cải thiện đáng chú ý. Tuy nhiên, chưa được chứng minh lợi ích ở những bệnh nhân có tiểu đường và xơ gan mất bù.
Bên cạnh đó, Vitamin E không nên sử dụng cho bệnh nhân nam có tiền sử hoặc tiền sử gia đình mắc ung thư tiền liệt tuyến. Vì nó gây tăng nguy cơ ung thư này ở nam giới. Sử dụng vitamin E liều cao quá 800UI/ ngày cũng có thể làm tăng tỉ lệ tử vong.
7.3 Sử dụng Omega 3
Omega 3 cải thiện viêm gan nhiễm mỡ
Một vài nghiên cứu gợi ý rằng Acid béo Omega 3 giúp cải thiện được tình trạng viêm gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên vẫn cần phải nghiên cứu nhiều hơn nữa để khẳng định.
7.4 Thuốc hạ đường huyết
Được chỉ định trong trường hợp gan nhiễm mỡ kèm theo đái tháo đường, góp phần làm giảm tình trạng viêm, xơ hóa ở bệnh nhân gan nhiễm mỡ.
7.5 Thuốc hạ lipid máu
Bệnh nhân nên sử dụng các thuốc nhóm Statin không chuyển hóa kéo dài qua gan như: Rosuvastatin hoặc Pravastatin.
7.6 Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người gan nhiễm mỡ
Thực đơn cho người gan nhiễm mỡ
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong điều trị bệnh. Người bệnh được khuyến khích các loại thực phẩm tốt cho gan. Trước tiên là rau củ quả có lợi với bệnh nhân gan nhiễm mỡ như: ngô, nấm hương, rau cải,… Chúng giúp giảm lượng cholesterol trong cơ thể người bệnh hiệu quả.
Một số thực phẩm nổi bật tốt cho chức năng gan không thể không nhắc tới đó là cá, hoa Atiso,…
Bên cạnh, người bệnh cũng cần tránh tối đa các thực phẩm tác động xấu tới gan như: rượu bia, chất kích thích, đồ ăn cay nóng, chứa nhiều cholesterol, mỡ động vật,…
Đồng thời, tập thể dục thể thao thường xuyên cũng giúp nâng cao hiệu quả điều trị.
Tham khảo thêm: Mẹo điều trị gan nhiễm mỡ tại nhà
8. Phòng ngừa gan nhiễm mỡ đúng cách
Cách phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ tốt và hiệu quả nhất là bảo vệ gan khỏi các tác nhân gây hại từ thói quen sinh hoạt hàng ngày. Trong đó, quan trọng cần điều chỉnh lượng cồn đưa vào cơ thể mỗi ngày một cách điều độ. Trung tâm dự phòng và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo rằng: “Sử dụng đồ uống có cồn một cách điều độ là 1 ly/ngày với phụ nữ và 2 ly/ngày với nam giới”.
Ngoài ra, nên tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày để có sức khỏe, vóc dáng tốt và duy trì cân nặng lý tưởng.
Tập thể thao ít nhấ 30 phút mỗi ngày để phòng bệnh hiệu quả
Như vậy, gan nhiễm mỡ là một tình trạng bệnh lành tính, nếu được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ không gây ra các tổn thương vĩnh viễn. Bởi lá gan có khả năng tự phục hồi cao. Tuy nhiên bệnh vẫn có nguy cơ trở nên nặng hơn và gây ra các hậu quả nghiêm trọng như viêm gan, xơ gan.
Do đó, mỗi chúng ta hãy xây dựng cho mình lối sống lành mạnh và tự quan tâm theo dõi cơ thể để phát hiện bệnh sớm nhất có thể, tránh những quan điểm sai lầm ảnh hưởng đến điều trị bệnh. Ngoài ra, mỗi người cũng nên chủ động khám sức khỏe định kỳ để nhận biết bệnh sớm và phòng bệnh hiệu quả.