banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 1DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 2DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM BẢN BỔ SUNG

Lá Móng (Folium Lawsoniae) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
Lá móng

Lá tươi hoặc đã phơi hay sấy khô của cây Lá móng (Lawsonia inermis L.), họ Tử vi (Lythraceae).

Mô tả

Lá hình trứng, gốc lá thuôn, đầu nhọn, dài 2 cm đến 3 cm, rộng 1 cm đến 1,5 cm, cuống ngắn, mép lá nguyên hơi lượn sóng, mặt trên màu lục, mặt dưới màu nâu nhạt.

Vi phẫu

Gân chính: Gân lá hơi lồi ở phía dưới, hơi lõm và nhọn ở phía trên. Biểu bì trên và dưới là một lớp tế bào xếp đều đặn. Sau biểu bì trên và dưới là lớp mô dày có 2 đến 3 hàng tế bào có thành dày ở góc. Mô mềm gồm các tế bào hình đa giác thành mỏng. Rải rác trong mô mềm có tinh thể calci oxalat hình cầu gai. Giữa gân chính là những bó libe-gỗ xếp thành hình cung, libe ở phía trên và dưới, các bó gỗ ở trong.
Phiến lá: Dưới lớp biểu bì trên là 2 đến 3 hàng tế bào mô dậu, mô mềm rải rác có tinh thể calci oxalat hình cầu gai.

Xem thêm: Dâu (Quả) (Fructus Mori albae) – Dược Điển Việt Nam 5

Bột

Bột có màu xanh lục. Soi dưới kính hiển vi thấy: Mảnh mô mềm mang tinh bột, tinh thể calci oxalat hình cầu gai, mảnh mạch xoắn, mạch điểm, mạch thang.

Định tính

A. Lấy khoảng 5 g bột dược liệu cho vào bình nón, thêm 30 ml ethanol 96 % (TT), đun cách thủy khoảng 10 min, lọc, dịch lọc làm các phản ứng sau:
Cho 1 ml dịch lọc vào ống nghiệm, thêm ít bột magnesi (TT) và 5 giọt acid hydrocloric (TT), lắc đều rồi đặt vào bình cách thủy vài phút sẽ xuất hiện màu đỏ đậm.
Nhỏ 1 giọt dịch lọc lên tờ giấy lọc, sấy nhẹ cho khô rồi đặt trên miệng lọ amoniac đậm đặc đã mở nút thấy màu vàng của vết đậm lên.
Cho vào ống nghiệm 1 ml dịch lọc, thêm 2-3 giọt dung dịch sắt (III) clorid 5 % (TT) sẽ xuất hiện màu xanh đen.
Lấy 1 ml dịch lọc cho vào ống nghiệm to, thêm 5 ml nước, lắc mạnh ống nghiệm theo chiều dọc sẽ có cột bọt bền 15 min.
B. Lấy 5 g bột dược liệu, thêm 10 ml methanol (TT) và 10 ml dung dịch natri hydroxyd 1 N (TT), đun hồi lưu 15 min, lọc nóng. Đun cách thủy dịch lọc để loại hết methanol và thu được dịch chiết nước. Acid hóa dịch chiết nước bằng acid hydrocloric (TT) đến pH 6, sau đó lắc kỹ với 5 ml cloroform (TT), gạn lớp cloroform vào ống nghiệm, thêm 3 ml amoniac (TT), lắc đều, lớp amoniac sẽ xuất hiện màu đỏ.

Độ ẩm

Không quá 12,0 % đối với dược liệu khô (Phụ lục 9.6, 2 g, 100 °C, 5 h).

Xem thêm: Dâu (Lá) (Folium Mori albae) – Dược Điển Việt Nam 5

Tỉ lệ vụn nát

Qua rây có kích thước mắt rây 4 mm: Không quá 1,0 % (Phụ lục 12.12).

Tạp chất (Phụ lục 12.11)

Tạp chất vô cơ: Không được có.
Bộ phận khác của cây: Không quá 2 %.

Chế biến

Thu hái lá, phơi khô hoặc sấy khô. Khi dùng tiến hành vi sao.

Bảo quản

Để nơi khô mát, tránh ẩm, trong bao bì kín.

Tính vị, quy kinh

Vị đắng hơi chát. Tính ấm. Vào kinh can, thận.

Công năng, chủ trị

Hoạt huyết, tán ứ. Chủ trị: Đau nhức xương khớp, tê bại chân tay, bế kinh, hoặc phụ nữ kinh nguyệt không đều.

Còn dùng khi bị chấn thương sưng tấy cơ nhục. Sang lở, mụn nhọt, hắc lào, nấm móng tay, móng chân. Rắn cắn.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 8 g đến 12 g, dưới dạng thuốc sắc.
Dùng ngoài: Lấy Lá móng giã nát, trộn với dấm thành bột nhão đắp vào nơi bị sưng đau, hoặc nhọt độc, hoặc vết rắn cắn. Cũng có thể nấu nước ngâm rửa.

Kiêng kỵ

Phụ nữ có thai, hoặc đa kinh không dùng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *