banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM V TẢI PDF MIỄN PHÍ

Lộc Giác Giao (Colla Cornus Cervi) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
Lộc giác giao

Tên khác: Cao gạc Hươu, Cao Ban long

Chế phẩm dạng keo rắn. chế từ gạc hươu bằng cách đun nấu với nước và cô đặc lại.

Chế biến

Cắt gạc hươu thành từng miếng nhỏ, ngâm trong nước lạnh và rửa sạch (đến khi nước rửa trong). Nấu với nước vài lần, lọc, gộp các dịch lọc (có thể cho một ít bột phèn), để yên, lọc. Cô dịch lọc cho đến khi thu được một dịch lòng  sánh, có thể thêm rượu gạo, đường trắng, dầu đậu nành tới khi thu được cao đặc. Để nguội, làm đông lạnh, cắt thành từng miếng nhỏ và để khô trong không khí.

Mô tả

Miếng cao hình khối vuông dẹt, cạnh dài từ 3 cm đến 4 cm, dày 0,6 cm, màu nâu vàng hoặc nâu đỏ, trong mờ,  đôi khi mặt trên có một tầng bọt, màu vàng nhạt. Chất giòn, dễ gẫy, mặt gẫy sáng bóng. Vị hơi ngọt.

Xem thêm: Lộc Giác (Cornu Cervi) – Dược Điển Việt Nam 5

Độ ẩm

Không được quá 15,0 %.
Cân chính xác khoảng 1 g chế phẩm đã cắt nhỏ, hòa tan trong 2 ml nước nóng, bốc hơi trên cách thủy đến khô. Giữ cho lớp keo không dày quá 2 mm đến 3 mm, tiếp tục tiến hành xác định độ ẩm (Phụ lục 9.6, 105 °C, 5 h).

Tro toàn phần

Không được quá 1,0 % (Phụ lục 9.8). Dùng 1,0 g.

Kim loại nặng

Không được quá 30 phần triệu.
Dùng cắn thu được từ thử nghiệm “Tro toàn phần”, tiến hành xác định giới hạn kim loại nặng theo Phụ lục 9.4.8, phương pháp 3. Dùng 3,0 ml dung dịch chì mẫu 10 phần  triệu Ph (TT) để chuẩn bị mẫu đối chiếu.

Xem thêm: Huyết Giác (Lõi gỗ) (Lignum Dracaenae) – Dược Điển Việt Nam 5

Arsen

Không được quá 3 phần triệu.

Lấy 1 g chế phẩm đã cắt nhỏ, thêm 1 g calci hydroxyd (TT)  và một ít nước, trộn đều, làm khô, đốt nhẹ cho cháy hết carbon, nung ở 500 °C đến 600 °C đến thành tro hoàn toàn. Để nguội, hòa tan cắn tro trong 5 ml acid hydrocloric (TT) và 2 ml nước. Tiến hành xác định giới hạn arsen (Phụ lục  9.4.2, phương pháp A).

Cắn không tan trong nước

Không được quá 2,0 %.
Cân chính xác 1,0 g chế phẩm đã cắt nhỏ, thêm 10 ml  nước, đun nóng để hòa tan rồi chuyển vào một ống ly tâm (đã sấy ở 105 °C đến khối lượng không đổi và cân để xác định khối lượng), ly tâm. Gạn bỏ lớp dầu loang trên thành rộng và dung dịch phía trên. Thêm nước ấm dọc theo thành ống đến thể tích ban đầu, khuấy đều và ly tâm, gạn bỏ lớp dầu loang và dung dịch phía trên. Tiếp tục rửa như trên 3 lần nữa. Sấy ống ly tâm và cắn ở 105 °C trong 2 h, lấy ra, để nguội trong bình hút ẩm 30 min, cân và tính phần trăm cắn không tan trong nước.

Giới hạn nhiễm khuẩn

Đáp ứng yêu cầu giới hạn nhiễm khuẩn của thuốc uống có nguồn gốc tự nhiên (Phụ lục 13.6).

Định lượng

Cân chính xác khoảng 0,05 g chế phẩm đã cắt nhỏ, tiến hành theo phương pháp định lượng nitrogen toàn phần trong họp chất hữu cơ (Phụ lục 10.9, phương pháp 1).
Chế phẩm phải chứa ít nhất 10,0 % nitrogen toàn phần tính theo chế phẩm khô.

Bảo quản

Để nơi khô, mát, trong lọ kín.

Tính vị, quy kinh

Cam, hàm, ôn. Vào các kinh thận, can.

Công năng, chủ trị

Ôn bổ can, thận, ích tinh, dưỡng huyết.

Chủ trị: Liệt dương  hoạt tinh, thắt lưng đầu gối mỏi có cảm giác lạnh, hư lao gầy còm, đại tiểu tiện ra máu, âm thư thũng độc, băng huyết, rong huyết.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 3 g đến 6 g, hòa với nước ấm rồi uống hoặc ăn với cháo nóng (hoà tan trước rồi mới uống).

Kiêng kỵ

Người thực nhiệt không nên dùng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *