Hệ miễn dịch – Giải mã những điều thú vị

Hệ miễn dịch

Khả năng miễn dịch của mỗi người là khác nhau, tuy nhiên theo sự phát triển của con người, hệ miễn dịch cũng hoạt động tốt hơn khi trưởng thành và yếu dần đi ở người cao tuổi. Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu chi tiết về hệ miễn dịch để có cái nhìn tổng quan nhất qua bài viết sau đây!

1. Hệ miễn dịch là gì?

Hệ miễn dịch là một hệ thống phức tạp, bao gồm nhiều tế bào khác nhau, bắt nguồn từ tủy xương, có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, Virus, nấm… hay các chất độc gây hại. Hệ miễn dịch phân biệt các yếu tố “lạ” xâm nhập vào cơ thể và tiêu diệt chúng. Các yếu tố “lạ” này còn được gọi là kháng nguyên.

Hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh

Hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh

Nếu hệ thống này bị suy yếu, cơ thể nhạy cảm hơn với các tác nhân gây bệnh, dẫn đến thường xuyên bị mắc các bệnh như cảm lạnh, dị ứng, viêm khớp, ung thư…

2. Các cơ quan và tế bào tham gia vào hệ thống miễn dịch

Tủy xương: Là nơi sản sinh các tế bào gốc đa năng, nguồn gốc của các tế bào miễn dịch và các tế bào máu khác,

Tuyến ức: Đây là cơ quan Lympho xuất hiện sớm từ thời kỳ phôi thai. Tuyến ức không tham gia trực tiếp vào quá trình miễn dịch, tuy nhiên nó tạo ra môi trường mà ở đó diễn ra sự biệt hóa, phân chia của tế bào Lympho T.

Hạch Lympho:

+ Còn được gọi là hạch bạch huyết, nằm rải rác trên đường đi của mạch bạch huyết, tập trung thành đám tại các vị trí giao nhau của mạch bạch huyết như cổ, nách, bẹn…

+ Hạch thường to lên rõ rệt khi cơ thể nhiễm khuẩn, bị các yếu tố “lạ” xâm nhập hay u ác tính do có sự phát triển rộng ra của các tế bào Lympho T, Lympho B, đại thực bào để tiêu diệt kháng nguyên.

Lách: Ngoài nhiệm vụ lọc và dự trữ máu cho cơ thể thì lách là nơi tập trung kháng nguyên, nhất là kháng nguyên xâm nhập bằng đường máu. Sau khi xâm nhập và bị đại thực bào bắt giữ, xử lý, các kháng nguyên được phân chia, biệt hóa thành tương bào.

Tế bào Lympho: Các tế bào này chiếm 20 – 30% tổng số bạch cầu máu ngoại vi và được chia ra thành 2 loại: Lympho T và Lympho B.

+ Lympho T: Chức năng gây độc qua trung gian tế bào, hỗ trợ tế bào Lympho B trong đáp ứng miễn dịch dịch thể, điều hòa miễn dịch thông qua các Cytokine (IL, yếu tố kích thích quần thể bạch cầu hạt, đại thực bào…).

+ Lympho B: Có chứa các thụ thể đặc hiệu, sản xuất các kháng thể đặc hiệu cho từng loại kháng nguyên.

Tế bào NK (Natural Killer Cell): Còn gọi là tế bào giết tự nhiên. Các tế bào này có khả năng diệt tế bào u, tế bào vật chủ bị nhiễm virus, ngăn chặn sự di cư của các tế bào u, kháng virus.

Tế bào thực bào đơn nhân: Chủ yếu là các bạch cầu đơn nhân, đại thực bào. Các tế bào này có khả năng “ăn” các phần tử bé hơn 0,1 μm và tiêu hóa chúng. Chúng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nhận diện kháng nguyên giúp các đáp ứng miễn dịch trong cơ thể diễn ra nhanh hơn.

Thực bào nuốt và tiêu diệt các tế bào “lạ”

Thực bào nuốt và tiêu diệt các tế bào “lạ”

Các tế bào máu khác: Bao gồm các bạch cầu trung tính, ái toan, ái kiềm và tiểu cầu.

+ Bạch cầu trung tính còn được gọi là các tiểu thực bào, có chức năng bắt, tiêu diệt các vi khuẩn, tập trung nhiều ở ổ viêm. Các bạch cầu này có đời sống ngắn, chỉ khoảng 4 – 5 ngày. Sau khi chết, chúng thành đối tượng thực bào của đại thực bào.

+ Bạch cầu ái kiềm (bạch cầu ưa Acid): Chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng số bạch cầu ngoại vi. Chúng đóng vai trò quan trọng trong phản ứng dị ứng và phản vệ.

+ Bạch cầu ái toan: Có khả năng thực bào và gây độc với ấu trùng của một số ký sinh trùng. Đóng vai trò chủ yếu trong các phản ứng miễn dịch, phản ứng viêm của cơ thể.

+ Tiểu cầu: Tế bào có chức năng đông máu, cầm máu. Giảm tiểu cầu có thể gây ra tình trạng xuất huyết dưới da và niêm mạc, chảy máu mũi, chảy máu chân răng… thậm chí nguy hiểm hơn là xuất huyết não.

3. Có bao nhiêu loại miễn dịch? Phân loại

Hệ thống miễn dịch bao gồm 2 loại: Miễn dịch tự nhiên và miễn dịch thu được. Tuy nhiên, hai loại đáp ứng miễn dịch này có liên quan chặt chẽ với nhau.

3.1 Miễn dịch tự nhiên

Miễn dịch tự nhiên hay còn được gọi là miễn dịch không đặc hiệu. Đây là khả năng tự bảo vệ sẵn có (bẩm sinh) và mang tính di truyền của con người, đã có ngay từ lúc mới sinh ra, không đòi hỏi phải có sự tiếp xúc trước của cơ thể với các kháng nguyên.

Khi kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ gặp phải hàng loạt cơ chế bảo vệ không đặc hiệu nhằm tiêu diệt, loại trừ chúng ra khỏi cơ thể. Một số kháng nguyên tái xâm nhập thì thường gặp phải cơ chế bảo vệ đặc hiệu trong đáp ứng miễn dịch thu được. Như vậy, trong nhiều trường hợp, miễn dịch tự nhiên là giai đoạn mở đầu cho các miễn dịch thu được, ngược lại, miễn dịch thu được xuất hiện cũng giúp đáp ứng miễn dịch tự nhiên được tăng cường.

3.2 Miễn dịch thu được

Miễn dịch thu được còn được biết đến với cái tên miễn dịch đặc hiệu, là trạng thái miễn dịch xuất hiện khi cơ thể đã tiếp xúc với các kháng nguyên khi được đưa vào cơ thể (chủ động như vắc xin hoặc ngẫu nhiên). Miễn dịch đặc hiệu còn có thể có được khi truyền các kháng thể vào cơ thể.

Miễn dịch thu được diễn ra như thế nào? Nó là một quá trình 3 bước: Nhận diện, hoạt hóa và hiệu ứng. Ở mỗi giai đoạn đều có sự tham gia của nhiều loại tế bào, chúng tương tác và điều hòa lẫn nhau nhằm đáp ứng tối ưu.

Đáp ứng miễn dịch thu được có các đặc điểm sau:

– Như chìa khóa và ổ khóa, kháng thể đặc hiệu với một kháng nguyên nhất định. Song nếu có một kháng nguyên có cấu trúc tương tự kháng nguyên đặc hiệu thì cũng có thể kết hợp nhưng yếu hơn (phản ứng chéo).

Mỗi kháng thể đặc hiệu với một kháng nguyên nhất định

Mỗi kháng thể đặc hiệu với một kháng nguyên nhất định

– Tính đa dạng: Kháng nguyên có trong tự nhiên vô cùng nhiều, tuy nhiên cơ thể có đủ kháng thể đặc hiệu cho từng loại.

– Khi kháng nguyên mới xâm nhập vào cơ thể lần 1 và được trình diện thì từ đó sẽ được “ghi nhớ” và đáp ứng mạnh hơn ở các lần sau.

– Hệ thống miễn dịch tự điều hòa thông qua các thông tin do tế bào truyền lại, tạo nên một mạng lưới cực kỳ phức tạp nhưng đôi khi, cũng vì vậy mà chúng gây ra tình trạng bệnh lý.

– Hệ miễn dịch có khả năng phân biệt cái lạ và “cái của mình”: Cái lạ thì loại bỏ, cái gì của mình thì dung nạp.

4. Cơ chế miễn dịch

Đáp ứng miễn dịch là một quá trình bảo vệ vô cùng phức tạp của cơ thể sinh vật. Chúng là kết quả của sự hoạt động và hợp tác của nhiều cơ quan, tổ chức và tế bào khác nhau, có mặt khắp nơi trong cơ thể.

Các tế bào miễn dịch tập trung chủ yếu ở mô Lympho: Hạch lympho, lách, tủy xương, tuyến ức, mô Lympho dưới niêm mạc đường tiêu hóa, hô hấp. Điều quan trọng là tất cả các tế bào của hệ thống miễn dịch đều được sinh ra từ các tế bào đa năng của tủy xương. Trong quá trình phát triển, chúng biệt hóa, đổi mới các dấu ấn bề mặt, từ đó tạo nên các tế bào có chức năng khác nhau.

Khi kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể, chúng phải vượt qua các hàng rào phòng ngự bao gồm:

– Da và niêm mạc: Da và niêm mạch có tác dụng ngăn cách cơ thể với môi trường bên ngoài, ngoài khả năng cản trở cơ học, chúng còn được tăng cường với một số yếu tố hóa học như Acid lactic, Acid béo của mồ hôi và tuyến mỡ dưới da… gây ức chế hoạt động của vi khuẩn.

– Khi kháng nguyên vượt qua hàng rào da và niêm mạc, chúng sẽ phải đối mặt với các huyết thanh chứa Lysozym, Interferon… ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn.

Kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể phải vượt qua các hàng rào bảo vệ

Kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể phải vượt qua các hàng rào bảo vệ

– Trên niêm mạc có nhiều tế bào có khả năng thực bào tiến đến, bắt giữ và tiêu diệt. Trong miễn dịch đặc hiệu, đại thực bào nhận diện và trình diện kháng nguyên, các tế bào Lympho nhận được thông tin và sản xuất ra các kháng thể đặc hiệu với kháng nguyên đó.

– Các phản ứng viêm, sốt:

+ Viêm là phản ứng phức tạp của cơ thể tại vị trí bị tổn thương. Viêm vừa là phản ứng bệnh lý, vừa là phản ứng bảo vệ cơ thể của hệ miễn dịch.

+ Cốt lõi của quá trình viêm là phản ứng tế bào, về cơ bản, chúng có lợi cho cơ thể. Tuy nhiên, khi quá trình viêm diễn ra mạnh mẽ dẫn đến sốt cao, có thể gây sốc, mất nước, rối loạn điện giải, co giật, mê sảng… Do đó, nếu sốt cao trên 38,5 độ C, cần uống thuốc hạ sốt ngay.

5. Tầm quan trọng của hệ miễn dịch

Cơ thể có khỏe mạnh hay không là nhờ vào sự hoạt động của hệ thống miễn dịch. Hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp đẩy lùi sự xâm nhập của các mầmbệnh như Virus, vi khuẩn, nấm… từ đó, bảo vệ cơ thể không bị nhiễm bệnh. Đồng thời, sản xuất các kháng thể chống bệnh cũ tái phát.

Ngoài ra khi hệ miễn dịch khỏe mạnh, tốc độ phục hồi các tổn thương của cơ thể sẽ nhanh chóng, tăng khả năng sữa chữa các vết thương.

Hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp đẩy lùi bệnh tật

Hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp đẩy lùi bệnh tật

Nếu hệ miễn dịch bị suy giảm do bất cứ nguyên nhân nào như rối loạn di truyển, HIV/AIDS, dùng corticoid dài ngày, khối u… sẽ khiến cơ thể dễ mắc phải các căn bệnh khác, đặc biệt là nhiễm trùng cơ hội.

6. Làm gì để tăng cường miễn dịch?

Để cải thiện và nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, hãy chủ động xây dựng cho bản thân và gia đình một chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, lành mạnh, thay đổi các thói quen của cơ thể:

– Tập thể dục: Duy trì tập thể dục đều đặn hằng ngày giúp tăng sức đề kháng, tăng sức bền và dẻo dai cho cơ thể. Nếu tập thể dục sai cách, không khiến cơ thể khỏe mạnh mà còn cảm thấy mệt mỏi hơn. Chỉ cần những bài tập thể dục nhẹ nhàng cũng giúp cơ thể hoạt động tốt hơn.

– Ăn uống đủ chất: Dinh dưỡng hợp lý, hạn chế các đồ cay nóng, các chất kích thích để giảm bớt áp lực cho các cơ quan tiêu hóa. Đồng thời bổ sung các vitamin từ trái cây, rau xanh, vừa tối cho tiêu hóa, vừa kích thích tăng sức đề kháng.

– Ngủ đủ giấc: Khi ngủ, cơ thể giải phóng ra các Cytokine có chức năng chống nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Nếu không ngủ đủ giấc, hoạt động của hệ miễn dịch cũng yếu đi, dễ gây cảm lạnh, cúm…

Ngủ đủ giấc để đáp ứng miễn dịch được tốt hơn.

Ngủ đủ giấc để đáp ứng miễn dịch được tốt hơn.

– Giữ trạng thái tinh thần, tâm lý tốt: Nhiều nghiên cứu cho thấy, khi bị stress, căng thẳng, cơ thể sẽ điều tiết để giải phóng Cortisol, làm hệ thống miễn dịch bị suy yếu, tăng nguy cơ mắc bệnh.

– Tiêm phòng vắc xin đầy đủ: Khi được tiêm vắc xin đầy đủ, giúp kích hoạt hệ thống miễn dịch, tăng khả năng chống chọi mầm bệnh khi bị nó tấn công. Ngày nay vi khuẩn, virus không ngừng tiến hóa, việc được tiếp cận sớm nguồn vắc xin là phương pháp phòng bệnh đơn giản, hiệu quả cao.

Xem thêm: Ăn gì để tăng sức đề kháng?

Trên đây là những sự thật thú vị về hệ miễn dịch của cơ thể, hi vọng qua bài viết mà chúng tôi cung cấp, quý độc giả sẽ có được cái nhìn toàn diện nhất về cách thức hoạt động, tầm quan trọng cũng như các cách để tăng cường miễn dịch cho bản thân cũng như gia đình mình. Chúc quý bạn đọc sức khỏe!

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *