banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM V TẢI PDF MIỄN PHÍ

Mạch Nha (Fructus Hordei germinatus) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
Mạch nha

Quả chín nảy mầm phơi khô của cây lúa Đại mạch (Hordeum vulgare L.), họ Lúa (Poaceae).

Mô tả

Mạch nha hình thoi dài 8 mm đến 12 mm, đường kính 3 mm đến 4 mm, mặt ngoài màu vàng nhạt, trên lưng có mày bao quanh với 5 đường gân và râu dài đã gày rụng.  Phía bụng được bao trong mày hoa, bóc bỏ vỏ ngoài thấy mặt bụng có một rãnh dọc, phần dưới mọc ra mầm non và rễ con, mầm non dài dạng mũi mác, dài 0,5 cm với vài sợi rễ nhỏ cong queo. Chất cứng, mặt bẻ gãy màu trắng có tinh bột. Không mùi, vị hơi ngọt.

Định tính

Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng : Silica gel G
Dung môi khai triển
: Toluencloroform –  ethyl acetal  (10 :  10 :  1).
Dung dịch thử: Lấy 5 g bột dược liệu vào bình nón 100 ml, thêm 30 ml ethanol (TT), siêu âm trong 40 min, lọc. Thêm vào dịch lọc 1.5 ml  dung dịch kali hydroxyd 50 % (TT), đun hồi lưu trong cách thủy 15 min, làm nguội bằng cách để trong cách thủy đá 5 min. Chuyển vào một bình chiết, rửa bình nón 2 lần mỗi lần với 20 ml nước và gộp nước rửa  vào bình chiết. Chiết với ether dầu hỏa (30 ° C đến 60 °C)  (TT) 3 lần, mỗi lần 10 ml. Gộp dịch chiết ether dầu hỏa, để  bay hơi đến khô. Hòa tan cặn trong 1 ml ethyl acetat (TT)  được dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 5 g bột Mạch nha (mẫu chuẩn). Tiến hành chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 µl mỗi  dung dịch trên. Sau khi triển khai xong, lấy bản mỏng ra,  để khô ngoài không khí. Phun dung dịch acid nitric 15 %  trong ethanol sấy ờ 100 °C đến khi xuất hiện rõ vết. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 366 nm, trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết phát quang có cùng  giá trị Rf và màu sắc với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Xem thêm: Bạch Đồng Nữ (Cành mang lá) (Folium Clerodendri chinense) – Dược Điển Việt Nam 5

Tỷ lệ mọc mầm

Lấy 10 g hạt lúa đại mạch (theo phương pháp lấy mẫu dược liệu, Phụ lục 12.1), chia làm 2 phần. Mỗi phần trải trên một nửa bề mặt phẳng, có đường ngăn chéo. Đem số hạt mọc mầm trên tống số hạt đem thử, tính ra tỷ lệ phần trăm số hạt mọc mầm. Tỷ lệ mọc mầm của dược liệu không được dưới 85 %.

Độ ẩm

Không quá 13,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 105 °C, 4 h).

Tro toàn phần

Không quá 5,0 % (Phụ lục 9.8).

Xem thêm: Bìm Bìm Biếc (Hạt) (Semen Pharbitidis) – Dược Điển Việt Nam 5

Chế biến

Lấy hạt đại mạch đã nhặt sạch, ngâm nước 2 h đến 3 h. Vớt ra, bỏ vào rá, đậy kín. Mỗi ngày vẩy nước 1 lần, giữ độ ẩm cho đến khi hạt lúa nứt mầm dài độ 0,5 cm, lấy ra phơi khô gọi lá sinh mạch nha.

Bào chế

Mạch nha sao: Lấy sinh mạch nha sạch, rang nhỏ lửa, sao đến màu vàng nâu, lấy ra để nguội, sẩy sạch bụi tro vụn là được.
Tiêu mạch nha: Lấy mạch nha sạch, cho vào nồi, đun to  lửa, sao cho vàng sém, lấy ra để khô, sẩy hết tro bụi.

Bảo quản

Để nơi khô, mát, trong bao bì kín, tránh mốc, mọt.

Tính vị, quy kinh

Cam, bình. Vào các kinh tỳ, vị.

Công năng, chủ trị

Kiện tỳ tiêu thực, tiêu sưng thông sữa.

Chủ trị: Thực tích bụng đầy trướng, ăn kém. tiêu hóa kém, làm mất sữa hoặc vú sưng đau do sữa ứ lại, vú tức đau khi căng sữa.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng từ 9 g đến 15 g. Làm mất sữa: 60 g, dạng thuốc sắc. Thường phối hợp với các loại thuốc khác.

Kiêng kỵ

Phụ nữ có thai, hoặc đang thời kỳ cho con bú không nên dùng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *