Tên khác: Diêm mai, Bạch mai
Quả già màu vàng đã chế muối của cây Mơ (Prunus armeniaca L. Syn. Armeniaca vulgaris Lam.), họ Hoa hồng (Rosaceae).
Mô tả
Quả hạch hình cầu dẹt, to nhỏ không đều, đường kính 1 cm đến 3 cm. Mặt ngoài màu nâu nhạt có nhiều nếp nhăn. Đáy có vết cuống quả hình tròn lõm sâu. Thịt quả mềm dính muối, thịt quả bị rách để lộ vỏ quả trong cứng rắn, màu nâu nhạt. Hạt hình trứng dẹt, màu vàng nhạt. Vị chua, mặn.
Định tính
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Cyclohexan – cloroform – ethyl acetat – acid formic (20 : 5 : 8 : 0,1).
Dung dịch thử: Lấy 5 g bột chế phẩm (phần thịt quả), thêm 30 ml methanol (TT), lắc siêu âm trong 30 min, để nguội và lọc. Bay hơi dịch lọc tới khô, hòa tan cắn trong 20 ml nước và chuyển vào bình gạn; chiết với ether (TT) hai lần, mỗi lần 20 ml, gộp dịch chiết và bay hơi dịch chiết tới khô. Ngâm cắn thu được trong 15 ml ether dầu hỏa (30 °C đến 60 °C) (TT) loại bỏ lớp ether dầu hỏa, làm như vậy 2 lần, trong khoảng 2 min. Hòa tan cắn còn lại trong 2 ml methanol (TT).
Dung dịch đối chiếu: Lấy 5 g Mơ muối (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, đế khô ngoài không khí. Phun dung dịch acid sulfuric 10 % trong ethanol (TT) và sấy ở 105°C cho đến khi xuất hiện rõ vết. Quan sát dưới ánh sáng thường. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết có cùng giá trị Rf và màu sắc với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Xem thêm: Cúc Gai (Quả) (Fructus Silybi) – Dược Điển Việt Nam 5
Độ ẩm
Không quá 15,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 105 °C, 4 h).
Chế biến
Diêm mai (Bạch mai): Hái quả Mơ gần chín vàng, không bị rụng, phơi héo, dùng nước rửa sạch, để ráo, sau đó cho vào vại sành, muối như muối cà (không đổ nước). Được 3 ngày, 3 đêm, vớt ra, phơi khô tai tái rồi lại cho vào vại muối lần thứ 2 một ngày một đêm nữa. Sau đó lấy ra, phơi, sấy đến độ ẩm dưới 15 %, trên quả Mơ muối kết tinh thành lớp màu trắng là được.
Bảo quản
Để nơi khô, tránh ẩm.
Tính vị, quy kinh
Toan, hàm, ôn. Vào các kinh can, tỳ, phế, đại trường.
Xem thêm: Cơm Cháy (Lá) (Folium Sambuci javanicae) – Dược Điển Việt Nam 5
Công năng, chủ trị
Nhuận phế, sinh tân dịch, sáp trường, sát trùng.
Chủ trị: Ho lâu ngày phế hư, hư hỏa tiêu khát, ỉa chảy, lỵ mạn tính, đau bụng, hồi quyết (đau bụng do giun đũa).
Cách dùng, Liều lượng
Ngày dùng từ 6 g đến 10 g, dạng thuốc sắc. Thường phối hợp với các loại thuốc khác, có thể dùng thịt quả bỏ hạch cứng, dùng sắc thuốc thì không cần bỏ hạch cứng.
Kiêng kỵ
Bệnh cần phát tán không nên dùng.