banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 1DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 2DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM BẢN BỔ SUNG

Ngoi (Lá) (Folium Solani erianthi) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
Ngoi

Tên khác: Cà ngoi

Lá đã phơi hay sấy khô của cây Ngoi (Solanum erianthum D. Don), họ Cà (Solanaceae).

Mô tả

Lá đã phơi hay sấy khô có màu xanh xám. Cuống lá phủ một lớp lông mịn hình sao, dài 1,5 cm đến 5,5 cm. Phiến lá thuôn hình trứng hay elip, dài 10 cm đến 29 cm, rộng từ 4 cm đến 12 cm. Mùi hắc, khai; vị đắng, cay.

Vi phẫu

Vi phẫu lá có thiết diện đối xứng qua trục giữa, cấu tạo gồm có các phần:
Gân lá: Mặt trên hơi lồi, mặt dưới rất lồi. Biểu bì gồm các tế bào hình chữ nhật xếp thành một lớp. Tế bào biểu bì mang lông che chở đa bào hình sao (5 đến 11 tế bào) và lông tiết đầu đa bào (4 đến 6 tế bào), chân đa bào (2 tế bào). Mô dày gồm 5 đến 7 dãy tế bào thành dày. Bó libe-gỗ hình cung xếp giữa gân lá, gồm cung libe bao quanh cung gỗ. Mô mềm gồm các tế bào hình tròn hay nhiều cạnh, thành mỏng, nằm giữa mô dày và bó libe, tế bào chứa tinh thể calci oxalat dạng cát nằm rải rác.
Phiến lá: Biểu bì trên và biểu bì dưới gồm một lớp tế bào mang lông che chở đa bào và lông tiết đa bào. Nằm sát lớp biểu bì trên là mô giậu, cấu tạo bởi các tế bào hình chữ nhật xếp đứng cạnh nhau. Dưới mô giậu là mô mềm cấu tạo bởi các tế bào không đều, thành mỏng.

Bột

Bột có màu xanh xám, rất xốp. Quan sát dưới kính hiến vi thấy: Mảnh biểu bì mang lỗ khi; mảnh mạch xoắn; tinh thể calci oxalat hình cầu gai; lông che chở đa bào; lông tiết chân 2 tế bào, đầu đa bào.

Xem thêm: Chỉ thực (Fructus aurantii immaturus) – Dược Điển Việt Nam 5

Định tính

Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Cloroformmethanol (10 : 1).
Dung dịch thử: Lấy 5 g bột dược liệu, thêm 70 ml dung dịch acid acetic 5 %, ngâm qua đêm. Lọc dịch chiết qua giấy lọc. Kiềm hoá dịch lọc bằng amoniac (TT) đến pH 9,5 -10, chiết 3 lần với cloroform (TT), mỗi lần 30 ml. Gộp dịch chiết cloroform, thu hồi dung môi đến cắn, hoà tan cắn trong 1 ml methanol (TT) được dung dịch chấm sắc ký.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 5 g bột lá Ngoi (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 µl mỗi  dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra để khô trong không khí, phun thuốc thử Drageudorff (TT). Sắc ký đồ của dung dịch thử quan sát dưới ánh sáng thường phải có 7 vết chính, có màu từ xanh đến xanh tím, cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm

Không được quá 13,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 100 °C, 4 h).

Tạp chất

Không được quá 1,0 % (Phụ lục 12.11).

Xem thêm: Chè Vằng (Lá) (Polium Jasmini subtriplinervis) – Dược Điển Việt Nam 5

Tỷ lệ vụn nát

Qua rây có kích thước mắt rây 4 mm: Không được quá  5% (Phụ lục 12.12).

Tro toàn phần

Không được quá 14,0 % (Phụ lục 9.8).

Định lượng

Phương pháp quang phổ hấp thụ tử ngoại và khả kiến (Phụ lục 4.1).
Dung dịch chuẩn: Cân chính xác khoảng 0,05 g solasodin chuẩn, cho vào bình định mức 100 ml, thêm một ít methanol  (TT), lắc cho tan hết solasodin, thêm tiếp methanol (TT)  đến vạch và lắc đều.
Dung dịch thử: Cân chính xác khoảng 1,0 g bột dược liệu  (qua rây 1,25 mm), đun hồi lưu trong cách thủy 3 h với 50 ml dung dịch acid acetic 5 % trong methanol. Để nguội, lọc, rửa bã dược liệu 2 lần, mỗi lần bằng 30 ml dung dịch acid acetic 5 % trong methanol. Gộp dịch lọc và dịch rửa, thu hồi dung môi và cô trong chân không ở 50°C tới khô. Dùng methanol (TT) để hòa tan và chuyển toàn bộ cắn vào  bình định mức 25 ml, thêm methanol (TT) đến vạch. Đậy nút và lắc đều. Lọc.
Cách tiến hành:
Lần lượt cho vào 3 bình gạn dung tích 50 ml các dung dịch sau:

Dung dịch sử dụng Bình 1 Bình 2 Bình 3
Dung dịch chuẩn (ml) Dung dịch thử (ml) Mẫu trắng(ml)
Dung dịch đệm phosphat 0.1M pH 8.0(TT) 5 5 5
Dung dịch xanh bromothymol 0,2% (Hòa tan 0.2g xanh brothymol(TT) trong ethanol 20%(TT) thêm dung môi để vừa đủ 100ml) 0.5 0.5 0.5
Dung dịch solasodin chuẩn 0.5 0 0
Dung dịch thử 0 0.5 0
Methanol(TT) 0 0 0.5
Cloroform(TT) 10 10 10

Lắc kỹ 3 bình trên trong 15 min, sau đó để yên khoảng 30 min cho phân lớp. Gạn lấy lớp cloroform vào 3 bình gạn khác. Lắc lớp cloroform với 10 ml  dung dịch natri hydroxyd 0,05 M (TT). Để yên 30 min cho phân lớp. Gạn lấy dung dịch kiềm màu xanh.
Đo độ hấp thụ ở bước sóng 616 nm của các dung dịch kiềm thu được.
Tính hàm lượng glycoalcaloid trong mẫu thử theo solasodin dựa vào độ hấp thụ của dung dịch thử, dung dịch chuẩn và hàm lượng C27H43NO2 trong solasodin chuẩn. Hàm lượng glycoalcaloid toàn phần trong dược liệu không được ít hơn 0,45 % tính theo solasodin (C27H43NO2) và theo dược liệu khô kiệt.

Chế biến

Thu hái lá quanh năm, phơi hay sấy khô ở nhiệt độ 50°C đến 60°C. Có thể dùng tươi.

Bảo quản

Để nơi khô, thoáng mát.

Tính vị, quy kinh

Vị đắng, cay, tính ấm, có độc.

Công năng, chủ trị

Thanh nhiệt tiêu thũng, sát trùng, chỉ huyết, hành khí chỉ thống, sinh cơ thu liễm.

Chủ trị: Đau dạ dày, phong thấp tê bại, mụn nhọt ung độc, đòn ngã tổn thương, gẫy xương, bệnh bạch cầu hạt mạn tính. Dùng ngoài trị viêm da có mủ, lòi dom, hắc lào, lao hạch.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 10 g đến 15 g, dạng thuốc sắc.

Dùng ngoài: Lượng thích hợp, rửa sạch, đập dập, sao nóng, đắp vào chỗ đau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *