Chất gôm nhựa lấy từ các cây Nhũ hương (Boswellia carterii Birdw.), họ Trám (Burseraceae).
Mô tả
Nhựa cây khô có dạng hạt hình cầu nhỏ, dạng giọt nước hoặc khối nhỏ không đều dài 0.5 mm đến 3 mm, có khi dính thành cục. màu vàng nhạt và thường có pha màu lục nhạt, màu lam hoặc màu đỏ nâu, trong mờ, mặt ngoài có một tầng bụi phấn màu trắng, sau khi bỏ lớp bụi phấn mặt ngoài vẫn không sáng bóng. Chất cứng giòn, mặt gãy dạng sáp không sáng bóng, cũng có một số nhỏ mặt gãy sáng bóng dạng pha lê. Mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng. Nhai dược liệu lúc đầu vỡ vụn, sau đó nhanh chóng mềm thành khối keo, nước bọt thành dạng sữa và có cảm giác cay thơm nhẹ.
Định tính
Khi gặp nhiệt dược liệu mềm ra, đốt có mùi thơm nhẹ (nhưng không được có mùi tùng hương), bốc khói đen và để lại tro màu đen. Hòa trong nước, nhũ hương cho một dịch lỏng đục như sữa, nhũ hương tan trong một phần ethanol, ether, cloroform.
Phân biệt Nhũ hương thật với chất giả mạo, lẫn tinh dầu thông, côlôphan: Hòa nhũ hương vào acid acetic (TT), thêm vài giọt acid sulfuric (TT), không được có màu đỏ.
Xem thêm: Khương Hoạt (Thân rễ và Rễ) (Rhizoma et Radix Notopterygii) – Dược Điển Việt Nam 5
Tro toàn phần
Không quá 3,0 % (Phụ lục 9.8).
Chế biến
Vào mùa xuân hoặc mùa hạ có thể thu gom Nhũ hương, tốt nhất là mùa xuân. Thu hoạch Nhũ hương bằng cách: rạch các vết dọc theo cây từ dưới lên, rạch sâu thì lấy được nhựa nhiều, hứng lấy nhựa, lúc nhựa khô lấy về. Nếu nhựa khô rơi xuống đất thường dính tạp chất, phẩm chất kém.
Bào chế
Lấy Nhũ hương sạch, tán bột với Đăng tâm thảo. Dùng 1 g Đăng tâm thảo cho 40 g Nhũ hương.
Lấy Nhũ hương sạch, sao nhỏ lửa cho mặt ngoài chảy ra có màu hơi vàng lấy ra để nguội.
Thổ Nhũ hương (chế dấm): Lấy Nhũ hương sạch cho vào chảo sao nhỏ lửa cho mặt ngoài chảy ra, phun dấm và tiếp tục sao đến khi mặt ngoài sáng trong, lấy ra để nguội. Dùng 0,6 L dấm cho 10 kg Nhũ hương.
Xem thêm: Dạ Cẩm (Herba Hedyotidis capitellatae) – Dược Điển Việt Nam 5
Bảo quản
Trong bao bì kín để nơi khô ráo, tránh mất mùi thơm.
Tính vị, quy kinh
Tân khổ, ôn mùi thơm. Vào kinh tâm, can, tỳ.
Công năng, chủ trị
Hoạt huyết, khứ ứ, chỉ thống, tiêu sưng, sinh cơ. Chủ trị: Khí huyết ngưng trệ gây kinh bế, hành kinh đau bụng, huyết ứ sau sinh đau bụng, ung nhọt, ẩn chẩn (mày đay) do phong hàn.
Cách dùng, liều lưọmg
Ngày dùng từ 3 g đến 6 g, thường phối hợp với các vị thuốc khác. Dùng ngoài với lượng bột mịn thích hợp đắp vào vết thương.
Kiêng kỵ
Không dùng cho phụ nữ có thai, mụn nhọt đã vỡ, người không có ứ trệ.