banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 1DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 2DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM BẢN BỔ SUNG

Nhục Đậu Khấu (Hạt) (Semen Myristicae) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
Nhục đậu khấu

Hạt đã phơi khô của cây Nhục đậu khấu (Myristica fragrans Houtt), họ Nhục đậu khấu (Myristicaceae).

Mô tả

Hạt hình trứng hoặc hình bầu dục, dài 2 cm đến 3 cm, đường kính 1,5 cm đến 2,5 cm. Mặt ngoài màu nâu tro hoặc vàng xám, có khi phủ phấn trắng, có rãnh dọc, mờ nhạt và nếp nhăn hình mạng lưới không đều. Có rốn ở đầu tù (rốn ở vị trí rễ mầm) là một điểm lồi tròn, màu nhạt. Hợp điểm lõm và tối, noãn nhân dọc nối hai đầu hạt. Ngoài cùng là lớp vỏ hạt rồi đến lớp ngoại nhũ sát lớp vỏ hạt. Cây mầm nằm trong một khoang rộng. Chất cứng, mặt gãy có vân hoa đá màu vàng nâu, đầu tù. Có thể thấy phôi nhăn, khô, nhiều dầu, mùi thơm nồng, vị cay.

Vi phẫu

Ngoài cùng là lớp vỏ hạt, tế bào có thành hơi dày. Lớp ngoại nhũ sát lớp vỏ hạt, tế bào nhỏ có chứa chất màu nâu và xếp kéo dài theo hướng tiếp tuyến. Rải rác có những bó mạch, những tinh thể calci oxalat hình nhiều cạnh trong phần vỏ. Phần ngoại nhũ ăn sâu vào nội nhũ, phần nội nhũ gồm các tế bào to nhỏ không đều, chứa hạt tinh bột, giọt dầu và giọt aleuron. Hạt tinh bột đơn có đường kính 10 µm đến 20 µm, có rốn rỗ, thường tụ lại thành đám 2 hạt đến 6 hạt, đường kính 25 µm đến 30 µm.

Bột

Màu nâu đỏ đến nâu xám, mùi thơm hắc, vị cay đắng. Có nhiều mảnh nội nhũ có chứa hạt tinh bột, giọt dầu và hạt aleuron. Mảnh vỏ hạt đôi khi có chứa tinh thể calci oxalat hình nhiều cạnh. Rải rác có tinh thể calci oxalat tách rời. Giọt dầu. Mảnh tế bào ngoại nhũ chứa chất màu nâu. Mảnh mạch ít gặp. Tinh bột đa số là hạt đơn, đường kính 25 µm đến 30 µm, điểm rốn rõ.

Xem thêm: Dành Dành (Quả) (Fructus Gardeniae) – Dược Điển Việt Nam 5

Định tính

A. Cắt vi phẫu rồi nhuộm bằng dung dịch iod (TT), nhỏ glycerin (TT) lên vi phẫu, quan sát ngay dưới kính hiển vi, thấy hạt aleuron tương đối lớn giữa các hạt tinh bột màu xanh lam. Nếu thay glycerin (TT) bằng cloral hydrat (TT), quan sát thấy dầu béo hiện ra dưới dạng khối phiến, dạng lát vảy, hơ nóng lập tức biến thành giọt dầu.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Cyclohexan – ethyl acetat (8 : 2).
Dung dịch thử: Hòa tan tinh dầu của dược liệu thu được ở phần định lượng trong cloroform (TT) để được dung dịch chứa 0,2 ml tinh dầu trong 1 ml.
Dung dịch đối chiếu: Hòa tinh dầu của Nhục đậu khấu (mẫu chuẩn) trong cloroform (TT) để được dung dịch chứa 0,2 ml tinh dầu trong 1 ml.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 µl mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra để khô ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch vanilin – acid sulfuric (TT). Sấy ở 105 °C cho đến khi các vết hiện rõ. Quan sát dưới ánh sáng thường, sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm

Không quá 12,0 % (Phụ lục 12.13).

Tỷ lệ vụn nát

Qua rây có kích thước mắt rây 3,150 mm: Không quá 5,0 % (Phụ lục 12.12).

Định lượng

Tiến hành theo phương pháp định lượng tinh dầu trong dược liệu (Phụ lục 12.7). Dùng 20 g bột dược liệu. Dược liệu phải chứa ít nhất 6,0 % tinh dầu tính theo dược liệu khô kiệt.

Chế biến

Thu hái vào mùa hè và mùa thu, hái quả nở, bóc bỏ vỏ, tách riêng phần thịt quả và hạt. Hạt phơi và sấy khô, đập lấy nhân hạt.

Xem thêm: Dâu (Cành) (Ramulus Mori albae) – Dược Điển Việt Nam 5

Bào chế

Nhục đậu khấu sống: Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô.
Nhục đậu khấu lùi (ổi Nhục đậu khấu): Lấy bột mỳ hòa vào lượng nước thích hợp, cho Nhục đậu khấu vào khuấy đều đổ tạo lớp áo hoặc tẩm ẩm Nhục đậu khấu cho vào nồi bao, vừa quay nồi bao vừa cho bột mỳ vừa phun nước và đun nóng nhẹ để tạo 3 lóp đến 4 lớp bao bột mỳ. Cho Nhục đậu khấu đã được bao ở trên vào chảo cát hoặc Hoạt thạch nóng, sao cho đến khi lớp bột mỳ có màu xém, sàng bỏ cát hoặc Hoạt thạch, bỏ vỏ bột mỳ và để nguội. Dùng 50 kg Hoạt thạch cho 100 kg Nhục đậu khấu.

Bảo quản

Nơi khô, mát, tránh mốc mọt.

Tính vị, quy kinh

Tân, ôn. Quy vào kinh tỳ, vị, đại tràng.

Công năng, chủ trị

Ôn trung, hành khí, sáp trường, chi ta. Chủ trị: Cưu lỵ (ỉa chảy lâu ngàỵ) do tỳ vị hư hàn, đau trướng bụng và đau thượng vị, biếng ăn, nôn mửa.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng từ 3 g đến 6 g, thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ

Nhiệt tả, nhiệt lỵ không dùng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *