Sinh vật phẩm
Chuột nhắt cái giống BALB/c thuần chủng từ cùng một đàn tùy loại 2D hoặc 2K từ 5 đến 6 tuần tuổi, cân nặng tối thiểu 16 g được lựa chọn, vận chuyển và chăm sóc trong điều kiện cách ly.
Vắc xin viêm gan B mẫu chuẩn quốc tế từ WHO.
Chuẩn thứ cấp (địa phương) vắc xin viêm gan B tái tổ hợp.
Chuẩn bị dung dịch
Dung dịch để pha loãng mẫu: Hoà tan nhôm hydroxyd (TT) trong dung dịch natri clorid 0,9 % (TT) để được dung dịch có nồng độ 1,5 g/l.
Gel phải có nồng độ Al3+ như trong mẫu vắc xin (0,5 mg Al3+/ml); 0,5 mg Al3+ tương đương với 1,44 mg Al(OH)3.
Hấp tiệt trùng dung dịch đã pha ở 121 °C trong 30 min.
Bảo quản ở 4 °C.
Tiến hành
Chuẩn bị các độ pha của vắc xin:
Tiến hành trong Laminar.
Các độ pha của mẫu vắc xin hấp phụ được pha loãng bằng dung dịch pha loãng mẫu, mỗi độ pha tương ứng với một nồng độ của vắc xin. Chỉ chuẩn bị 1 lọ cho mỗi độ pha mẫu hoặc chuẩn.
Trước khi lấy đủ lượng vắc xin cần thiết (1 ml) phải lắc đều lọ để đồng nhất mẫu.
Để chuẩn bị các độ pha vắc xin từ nồng độ kháng nguyên 20 μg/ml cần tiến hành theo hướng dẫn trong Bảng 15.43.1.
Song song làm tương tự với mẫu chuẩn quốc tế của WHO hoặc chuẩn thứ cấp của phòng thí nghiệm (chuẩn quốc tế được dùng để chuẩn hóa chuẩn thứ cấp).
Sau khi chuẩn bị xong các độ pha, đậy nút cao su và nắp đã tiệt trùng. Chuyển các lọ mẫu pha loãng đến nhà chăn nuôi súc vật thí nghiệm để gây nhiễm trên động vật.
Bảng 15.43.1: Chuẩn bị các độ pha loãng của vắc xin
Mẫu vắc xin (ml) | Dung dịch pha loãng (ml) | Độ pha loãng | HBsAg (µg/ml) |
1 (vắc xin không pha loãng) | 15 | 1/16 | 1,25 |
4 (vắc xin 1/16) | 12 | 1/64 | 0,312 |
4 (vắc xin 1/64) | 12 | 1/256 | 0,078 |
4 (vắc xin 1/64) | 28 | 1/512 | 0,039 |
4 (vắc xin 1/256) | 12 | 1/1024 | 0,019 |
Giả dược (Placebo) | 12 |
Gây nhiễm trên động vật:
Với mỗi độ pha của vắc xin gây nhiễm trên 10 chuột nhắt (1 ml/con) bằng đường tiêm màng bụng, Sau khi tiêm theo dõi trong vòng 28 ngày ở vùng cách ly bảo vệ.
Xem thêm: Xác định hàm lượng Cesi trong Vắc xin và Sinh phẩm (Phụ lục 15.41) – Dược điển Việt Nam 5
Lấy máu: Tiến hành lấy máu sau 28 ngày gây nhiễm trên chuột. Lấy máu riêng từng con vào ống nhựa, dán nhãn ghi số lô và độ pha. Có thể ly tâm ngay khi lấy máu tại nhà chuột hoặc giữ ở nhiệt độ phòng không quá 24 giờ để ly tâm sau đó.
Ly tâm, tách huyết thanh cẩn thận bằng pipet (không được làm lẫn huyết thanh giữa các ống khác nhau) sang một ống nhựa khác. Nếu chưa tiến hành định lượng kháng thể anti-HBsAg ngay, bảo quản các mẫu huyết thanh ở 20 °C để kiểm tra sau.
Định lượng kháng thể kháng HBsAg bằng phương pháp ELISA với bộ kit của BIO-RAD.
Tính kết quả: Sau khi xác định được các mẫu huyết thanh dương tính (có chứa kháng thể), tính phần trăm số chuột có đáp ứng miễn dịch trên mỗi độ pha tức là trên tổng số chuột gây nhiễm có bao nhiêu chuột có đáp ứng miễn dịch của độ pha đó. Làm tương tự với mẫu vắc xin chuẩn.
Chú ý: Chuột có đáp ứng miễn dịch là trong huyết thanh có chứa kháng thể kháng HBsAg.
Xem thêm: Xác định hàm lượng Saccharid tổng số bằng phương pháp Orcinol (Phụ lục 15.42) – Dược điển Việt Nam 5
Tính phần trăm số chuột có đáp ứng miễn dịch với mỗi độ pha như sau:
% chuột có đáp ứng = (Ni / N ) x 100
Trong đó:
Ni là số chuột có đáp ứng miễn dịch của một độ pha;
N là số chuột gây nhiễm trên độ pha đó.
Sau khi tính phần trăm số chuột có đáp ứng miễn dịch, tính ED50 (Liều vắc xin gây nhiễm 50 % chuột có đáp ứng miễn dịch) và công hiệu bằng chương trình Potency.