banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 1DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 2DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM BẢN BỔ SUNG

Rong Mơ (Sargassum) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
rong mơ

Toàn bộ sợi tảo được rửa qua nước ngọt, phơi khô của một số loài Rong mơ (Sargassum henslowianum J. Agarah), họ  Rong đuôi ngựa (Sargassaceae).

Mô tả

Loại tán có phao hình cầu hay hình bầu dục: Tảo cấu tạo bởi những sợi phân nhánh màu đỏ nâu đến nâu đen; đường kính khoảng 0,1 cm, khô, giòn, dễ gãy. Những sợi này mang những bộ phận mỏng, dẹt như lá. Kích thước thay đổi, loại nhỏ nhất dài 0,8 cm đến 1 cm, rộng khoảng 0,2 cm, loại to nhất dài 10 cm đến 12 cm, rộng khoảng 1 cm, có 1 gân giữa, soi lên ánh sáng có màu nâu đỏ và có những chấm đen. Mép có răng cưa. Rải rác từng quãng có những phao để rong mọc đứng trong nước. Phao hình cầu hay hình bầu dục, kích thước phao thay đổi tùy theo từng loại rong; loại nhỏ nhất dài khoảng 0,2 cm, đường kính khoảng 0,1 cm; loại to nhất dài khoảng 1 cm, đường kính khoảng 0,6 cm, màu đỏ nâu đến nâu đen, trong chứa đầy khí. Gốc tảo rộng.

Loại tán có phao hình hạt gạo: Hình dạng chung như trên, nhưng phần dẹt như lá dài khoảng 2 cm, rộng khoảng 0,3 cm. Phao hình hạt gạo dài khoảng 0,8 cm, đường kính khoảng 0,1 cm, đầu nhọn, mặt ngoài cũng có chấm đen. Mùi tanh, vị hơi mặn.

Vi phẫu

Bộ phận dẹt như lá: Ngoài cùng có một lớp tế bào nhỏ xếp đều đặn màu nâu tím, bao xung quanh từng quãng có bộ phận sinh sản ăn sâu vào trong gọi là bào phòng. Trong  bào phòng có lông. Lớp ruột gồm tế bào hình nhiều cạnh,  to, không đều xếp sít nhau. Trong tế bào ruột còn có một  hoặc nhiều hạt hình bầu dục chứa chất dự trữ. Ở giữa ruột có một đám tế bào nhỏ hơn.
Bộ phận hình sợi: về cấu tạo bên trong giống như bộ phận dẹt nói trên, chỉ khác hình dạng bên ngoài, không có bộ phận sinh sản. Ở gốc tảo lớp ngoài gồm những tế bào hình sợi xoắn chặt với nhau thành từng lớp ngang dọc tương đối đều.
Bộ phận như quả (phao): Phía ngoài gồm một lớp tế bào nhỏ, xếp sít nhau bắt màu nâu sẫm. Ở giữa gồm các tế bào to tròn, màng mỏng, xếp sít nhau (không có khoảng gian bào). Trong cùng gồm một lớp tế bào dẹt.

Xem thêm: Đảng sâm (rễ) (Radix Codonopsis) – Dược Điển Việt Nam 5

Định tính

A. Lấy 1 g dược liệu cắt vụn, thêm vào 20 ml nước, ngâm lạnh 2 h, lọc, cô dịch lọc trên cách thủy đến khi còn khoảng 3 ml đến 5 ml. thêm vài giọt dung dịch sắt (III) clorid 5 % (TT), sẽ xuất hiện tủa màu nâu lắng xuống.
B. Cho 5 g bột dược liệu vào 1 chén sứ đường kính 5 cm đến 6 cm, thêm 0,5 g natri hydroxyd (TT) và 1 g  kali carbonat (TT). Đốt hỗn hợp trên cho đến khi có màu đen. Sau đó cho vào lò nung và nung ở 350 °C trong 1 h. Để nguội, thêm 5 ml nước và thêm từ từ acid sulfuric (TT) cho đến khi hỗn hợp có pH acid. Chuyển tất cả vào  một bình gạn, thêm 3 ml cloroform (TT) và từng giọt dung  dịch cloramin T (TT) 0,5 % trong nước (TT), lắc kỹ lớp cloroform có màu tím đỏ.

Độ ẩm

Không quá 15,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 85 °C, 4 h).

Tro toàn phần

Không quá 18,0 % (Phụ lục 9.8).

Tạp chất

Không quá 3,0 % (Phụ lục 12.11).

Chế biến

Thu hoạch vào mùa hạ và mùa thu, vớt Rong mơ, rửa bằng  nước ngọt 2 lần đến 3 lần để loại muối và tạp chất. Phơi  hoặc sấy khô từ 40°C đến 50 °C.

Xem thêm: Đạm Trúc Diệp (Herba Lophatheri) – Dược Điển Việt Nam 5

Bào chế

Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, phơi qua, cắt đoạn, phơi khô.

Bảo quản

Nơi khô mát.

Tính vị, quy kinh

Khổ, hàm, hàn. Quy vào các kinh vị, can, thận.

Công năng, chủ trị

Tiêu đàm nhuyễn kiên, lợi thủy tiêu phù. Chủ trị: Bướu cổ và tràng nhạc, sán khí, phù thũng.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng từ 6 g đến 12 g, dạng thuốc sắc, thuốc bột,  thuốc viên, có thể dùng dược liệu tươi.

Kiêng kỵ

Không nên phối hợp với Cam thảo, Nguyên hoa, Đại kích. Tỳ vị hư hàn thấp trệ không nên dùng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *