banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM V TẢI PDF MIỄN PHÍ

TRÀM (Cành và lá) (Ramulus cum folio Melaleucae) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
TRÀM (Cành và lá)

Tràm (Cành và lá) hay Chè đồng

Cành mang lá đã phơi hay sấy khô của cây Tràm gió (Melaleuca cajeputi Powell), họ Sim (Myrtaceae).

Mô tả

Cành màu trắng nhạt, có lông mềm, thường có mang hoa quả ở đoạn giữa cành lá. Lá mọc cách, cuống dài 6 mm đến 8 mm, phiến lá hình mác nhọn, màu xanh lục nhạt hoặc xanh xám, hơi cứng, giòn, dài 6 cm đến 12 cm, rộng 2 cm đến 3 cm, thường có 3 đến 5 gân hình cung chạy dọc theo lá, vò ra có mùi rất thơm, vị hơi cay.

Vi phẫu

Lá: Thiết diện lá thường chỉ hơi lồi ở những chỗ có gân lá. Biểu bì có lớp cutin dày mang nhiều lỗ khí ở cả hai mặt lá và có thể gặp lông che chở ở các lá non. Ở mặt cắt ngang phần gân ở khoảng giữa lá, dưới biểu bì là 3 đến 5 lớp tế bào mô dầy tròn cả ở mặt trên và mặt dưới, bó libe-gỗ chồng kép với vòng libe gần như bao tròn quanh gỗ. Libe là các đám tế bào đa giác nhỏ, bị ép dẹt bởi các mạch gỗ. Phía trên và phía dưới bó libe-gỗ là hai cung sợi mô cứng, có thiết diện gần tròn, khoang rất hẹp. Điểm giữa phía trên của vùng gỗ và đám sợi phía trên libe thường phát triển nối liền nhau nên chia cắt libe thành hai phần tách rời. Sát bên các đám sợi thường có một vòng tế bào mô mềm chứa tinh thể calci oxalat hình khối và hình cầu gai.

Mô mềm giậu ở phiến lá có từ 1 đến 2 lớp tế bào ở cả hai mặt lá. Rải rác trong phần phiến lá còn có: Các tế bào mô cứng hình đa giác, thành khá dày nằm trong trong mô mềm ở giữa; tinh thể calci oxalat hình khối và hình cầu gai; túi tiết to gần bằng bó libe-gỗ chính, nằm trong vùng mô giậu sát biểu bì trên và dưới, chứa đầy tinh dầu màu vàng nhạt. Các bó libe-gỗ lớn cách khoảng đều đặn trong phần phiến lá và có cấu tạo như nhau.

Xem thêm: TRẠCH TẢ (Thân rễ) (Rhizoma Alismatis) – Dược Điển Việt Nam 5

Bột

Bột màu xanh nhạt, khô tơi, có ít xơ, mùi thơm, vị đắng. Nhiều sợi thành dày, khoang rộng hay hẹp, thường có kèm tinh thể calci oxalat hình khối ở các tế bào mô mềm xung quanh sợi. Mảnh mô mềm, tế bào thành mỏng, trong có thế chứa tinh thể calci oxalat hình khối và hình cầu gai. Các tế bào mô cứng rất ít, thường đứng riêng rẽ, hình đa giác, thành hơi dày, có ống trao đổi. Tinh thể calci oxalat hình cầu gai và hình khối rời. Mảnh biểu bì mang lỗ khí kiểu hỗn bào. Lông che chở đơn bào ít. Mảnh mạch vạch, mạch xoắn, mạch điểm.

Định tính

A. Lấy 5 g bột dược liệu cho vào một bình nón có dung tích 200 ml. Thêm 80 ml nước và đun sôi trong 10 min, lọc, để nguội dịch lọc rồi lắc với 25 ml ethyl acetat (TT). Gạn lấy lớp ethyl acetat, bốc hơi trên cách thủy cho đến cắn. Hòa tan cắn bằng 10 ml ethanol 96 % (TT) để thực hiện các phản ứng sau: Lấy 2 ml dịch chiết, thêm 0,5 ml acid hydrocloric (TT) và một ít bột magnesi (TT), sau vài giây sẽ xuất hiện màu đỏ hồng.

Lấy 2 ml dịch chiết, thêm 0,5 ml acid hydrocloric (TT) và 1 giọt dung dịch natri hydroxyd 10 % (TT) sẽ xuất hiện màu vàng cam.

Lấy 2 ml dịch chiết, thêm vài giọt dung dịch sắt (III) clorid 5 % (TT) sẽ xuất hiện màu xanh đen.

B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).

Bản mỏng: Silica sel G60F254

Dung môi khai triển: Toluen ethyl acetat (9 : 1).

Dung dịch thử : Hòa tan 0,2 g tinh dầu chiết được trong phần Định lượng trong 1 ml ether (TT).

Dung dịch đối chiếu: Hòa tan cineol chuẩn trong ether (TT) để được dung dịch có nồng độ 1 %.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng khoảng 10 µl mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được khoảng 10 cm, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí, phun lên bản mỏng dung dịch vanilin 2 % trong acid sulfuric (TT). Sấy bản mỏng ở 100 °C trong 5 min đến 10 min.

Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có ít nhất 5 vết, trong đó có một vết có cùng màu sắc và giá trị Rf với vết cincol của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm

Không quá 13,0 % (Phụ lục 12.13).

Xem thêm: TÔ MỘC (Lignum Sappan) – Dược Điển Việt Nam 5

Tro toàn phần

Không quá 6,5 % (Phụ lục 9.8).

Tạp chất

Không quá 1,0 % (Phụ lục 12.11).

Định lượng

Tiến hành phương pháp Định lượng tinh dầu trong dược liệu (Phụ lục 12.7).

Cho 50 g dược liệu đã được cắt nhỏ vào bình cầu dung tích 500 ml của bộ dụng cụ định lượng tinh dầu trong dược liệu. Thêm 300 ml nước, tiến hành cất trong 3 h với tốc độ 2,5 ml/min đến 3,5 ml/min. Dược liệu phải chứa ít nhất 1,0 % tính dầu tính theo dược liệu khô kiệt.

Chế biến

Thu hái cành non có mang lá, rửa sạch, phơi trong râm hoặc sấy nhẹ cho đến khô.

Bảo quản

Để nơi khô, mát.

Tính vị, quy kinh

Tân, ôn. Vào hai kinh phế và tỳ.

Công năng, chủ trị

Công năng: Phát tán phong hàn, giảm đau, sát trùng.

Chủ trị: Cảm mạo phong hàn. Dùng ngoài trị viêm da dị ứng, chàm (thấp chẩn).

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng từ 6 g đến 10 g. Dạng thuốc sắc. Dùng ngoài lượng thích hợp.

Kiêng kỵ

Cơ thể suy nhược, tân dịch khô, táo hón, ho khan không nên dùng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *