Viêm mũi dị ứng khi mang thai

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây

Viêm mũi dị ứng khi mang thai

Viêm mũi dị ứng khi mang thai

Sức khỏe của người mẹ luôn cần được theo dõi cẩn thận bởi mối quan hệ mật thiết đến sự phát triển của thai nhi trong bụng. Cơ thể người mẹ nhạy cảm với các thay đổi của môi trường và rất dễ nhiễm bệnh, trong đó viêm mũi dị ứng là một bệnh khá phổ biến. Để có những kiến thức chính xác phòng tránh cũng như giúp mẹ bầu tránh bị mắc bệnh thì cùng tham khảo bài viết dưới đây. 

1. Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng khi mang thai

Trong thời gian mang thai, người mẹ xuất hiện các triệu chứng gây khó chịu ở mũi như nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi…, tình trạng này được gọi là viêm mũi dị ứng khi mang thai. Theo thống kê của Bộ Y tế có khoảng 20-30% phụ nữ trong thai kỳ đều xuất hiện biểu hiện của viêm mũi dị ứng và ngày càng có xu hướng phổ biến hơn. 

Cũng giống như các tác nhân gây viêm mũi dị ứng thông thường thì viêm mũi dị ứng khi mang thai cũng là các phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với các dị nguyên gây kích ứng. Trong đó các tác nhân thường gặp như là bụi, phấn hoa, lông động vật, nấm mốc…có rất nhiều trong môi trường sống xung quanh.

Những chất này xâm nhập vào cơ thể qua tiếp xúc, niêm mạc đường hô hấp, qua da, qua đường ăn uống… và kích thích cơ thể giải phóng các chất trung gian gây các phản ứng dị ứng. Khi mang thai đặc biệt cơ thể người mẹ càng nhạy cảm hơn với sự thay đổi thời tiết cũng như các tác nhân này nên càng các phản ứng của cơ thể càng mạnh mẽ hơn.

Một số dị nguyên gây dị ứng như khói bụi, lông động vật, phấn hoa…

Một số dị nguyên gây dị ứng như khói bụi, lông động vật, phấn hoa…

Viêm mũi dị ứng khi mang thai cũng dễ xảy ra khi người mẹ có cơ địa dễ dị ứng như khi người mẹ có sẵn các bệnh lý trên đường hô hấp như hen phế quản, mề đay mãn tính, viêm da dị ứng…

Ngoài ra có nhiều lý luận đưa ra rằng trong thời gian mang thai, hormon trong cơ thể cụ thể là nồng độ estrogen và/hoặc progesterone thay đổi có liên quan đến sự gia tăng các phản ứng cholinergic. Điều đó dẫn đến sự gia tăng tuyến dịch nhờn, mạch máu ở niêm mạc mũi và có thể làm sưng, phù niêm mạc mũi, chảy nước mũi…

2. Triệu chứng của viêm mũi dị ứng khi mang thai

Viêm mũi dị ứng khi mang thai thường xuất hiện trong 3 tháng đầu và cuối của thai kỳ, có thể biến mất hoàn toàn sau khi sinh 2 tuần. Các triệu chứng mà mẹ bầu thường gặp như là:

– Hắt hơi liên tục, thành tràng hoặc nhiều cơn nối tiếp nhau.

– Sổ mũi, nước mũi trong và không có mùi.

– Nghẹt mũi, có thể cả 2 bên hoặc chỉ 1 bên.

– Đau họng, ho khan hoặc ho có đờm.

– Đau đầu, nhức mũi, ngứa mũi.

– Kích ứng mắt, ngứa mắt, mắt đỏ, chảy nước mắt hoặc xuất hiện quầng thâm mắt.

– Ngủ ngáy, thở bằng miệng.

Chảy nước mũi là một trong các triệu chứng của viêm mũi dị ứng thai kỳ

Chảy nước mũi là một trong các triệu chứng của viêm mũi dị ứng thai kỳ

3. Viêm mũi dị ứng khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi không? 

Viêm mũi dị ứng không ảnh hưởng trực tiếp đến bào thai nhưng nếu không kiểm soát được tình trạng này tình trạng này sẽ gây tác động xấu đến sự phát triển của thai nhi.

– Khi chỉ dị ứng ở mức nhẹ thì viêm mũi dị ứng hoàn toàn không tác động đến sức khỏe thai nhi. Nhưng nếu các cơ ho, hắt hơi liên tục sẽ khiến người mẹ rất mất sức, mệt mỏi, tinh thần căng thẳng, ngủ không ngon giấc…gián tiếp ảnh hưởng đến tinh thần, sự hấp thu dinh dưỡng của người mẹ. Và điều đó tất nhiên đều sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.

– Hơn nữa khi nghẹt mũi còn làm giảm sự trao đổi oxy, giảm cung cấp oxy cho thai nhi khiến thai nhi chậm phát triển trong tử cung. Một số nghiên cứu chỉ ra viêm mũi dị ứng thai kỳ dẫn đến ngủ ngáy, điều này làm tăng nguy cơ làm tăng huyết áp thai kỳ, nguy hiểm hơn có thể gây ra tiền sản giật…

– Những đợt ho liên tục kéo dài còn gián tiếp kích thích các cơn co tử cung dẫn đến tình trạng dọa sảy thai hay sinh non.

– Khi bị viêm mũi dị ứng còn tăng nguy cơ người mẹ mắc các bệnh trên hô hấp như viêm họng, viêm phế quản.., hoặc làm nặng thêm các bệnh lý có sẵn như hen phế quản. Điều này làm khó khăn hơn khi phải điều trị trong thời gian mang thai.

Có thể nói rằng những biến đổi dù rất nhỏ ở mẹ đều sẽ ảnh hưởng phần nào đến thai nhi trong bụng. Chính vì vậy việc điều trị cũng như phòng tránh cho mẹ bầu cần phải cẩn trọng hơn rất nhiều.

4. Cách chữa viêm mũi dị ứng cho bà bầu

Việc điều trị các triệu chứng của viêm mũi cũng cần rất thận trọng, việc sử dụng thuốc trong thời gian mang thai rất là hạn chế. Không được tự ý dùng thuốc hay làm theo các bài thuốc truyền miệng để điều trị viêm mũi dị ứng thai kỳ vì sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng không chỉ cho mẹ mà còn cho cả thai nhi. Khi xuất hiện các triệu chứng cần đến các phòng khám chuyên khoa và điều trị theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Phương pháp điều trị bằng thuốc

Việc sử dụng thuốc để điều trị cho phụ nữ mang thai bị viêm mũi dị ứng cần được cân nhắc, chọn lựa kỹ càng. Một số thuốc an toàn, hiệu quả thường được sử dụng giúp giảm các triệu chứng như là:

– Thuốc nhỏ mắt, mũi: Thường được sử dụng là Natri cromoglycate – liệu pháp đầu tay trị viêm mũi dị ứng trong khi mang thai, nhất là ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ. Thuốc có tính an toàn cao, ít hấp thu vào tuần hoàn chung nên giảm các nguy cơ gây dị tật bẩm sinh. 

– Glucocorticoid dạng xịt mũi: Khi các triệu chứng viêm mũi chưa được kiểm soát tốt với thuốc nhỏ mũi thông thường, các corticoid dạng xịt được coi là có hiệu quả cao. Phụ nữ có thai nên sử dụng với liều thấp nhất có hiệu quả.

Thuốc xịt mũi Glucocorticoid điều trị viêm mũi dị ứng

Thuốc xịt mũi Glucocorticoid điều trị viêm mũi dị ứng

–  Thuốc kháng histamin đường uống: So với corticoid dạng xịt thì thuốc ít có hiệu quả trong làm giảm tình trạng nghẹt và chảy nước mũi hơn. Các nghiên cứu đã đưa ra các thuốc kháng histamin thế hệ 2 như Loratadin, Cetirizin..an toàn và thích hợp sử dụng cho phụ nữ mang thai do ít tác dụng an thần hay tác dụng phụ cholinergic hơn so với thuốc thế hệ 1. 

– Các thuốc co mạch tại chỗ: Với tác dụng làm thông mũi, giảm xuất huyết các thuốc này cũng được sử dụng trong điều trị viêm mũi dị ứng thai kỳ. Các thuốc co mạch tại chỗ như naphazolin, oxymetazolin, xylometazolin…làm giảm tình trạng nghẹt mũi nặng. Nhưng lưu ý chỉ nên sử dụng thuốc ngắn hạn chỉ dưới 3 ngày. Đặc biệt lưu ý tránh sử dụng các thuốc thông mạch đường uống trong 3 tháng đầu thai kỳ vì nguy cơ gây dị tật bẩm sinh là hở thành bụng.

Phương pháp không dùng thuốc

Bên cạnh lựa chọn dùng thuốc hoặc với trường hợp viêm mũi dị ứng nhẹ, bà bầu có thể làm giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng bằng các biện pháp không dùng thuốc. Tuy nhiên với các triệu chứng nặng hơn, việc kiểm soát bằng thuốc vẫn luôn được ưu tiên. 

– Vệ sinh bằng nước muối sinh lý: Việc này sẽ giúp rửa sạch chất nhầy cũng như các tác nhân kích ứng như bụi bẩn, lông thú, phấn hoa, vi khuẩn…từ đó giảm nhanh cảm giác nghẹt, ngứa mũi.

– Xông hơi: Có thể sử dụng các loại lá xông hay chỉ dùng nước nóng để xông mũi. Cách này giúp loại bỏ chất nhầy trong mũi dễ dàng, làm thông thoáng đường thở, hạn chế tình trạng khô niêm mạc, giảm kích ứng mũi.

– Massage, bấm huyệt mũi: Các tác động này sẽ giúp đẩy nhanh các dịch nhầy mũi ra bên ngoài. giúp lưu thông đường thở cũng như giảm cảm giác đau nhức vùng mũi cho mẹ bầu. 

– Ngoài ra còn có thể sử dụng một số loại thảo dược như tía tô, húng chanh… cũng giúp giảm các triệu chứng nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi…hiệu quả.

Xem thêm: Các mẹo dân gian chữa viêm mũi dị ứng.

Chữa viêm mũi dị ứng không dùng thuốc

Chữa viêm mũi dị ứng không dùng thuốc

5. Phòng ngừa hiệu quả cho bà bầu không mắc viêm mũi dị ứng khi mang thai

Phòng bệnh bao giờ cũng quan trọng hơn chữa bệnh. Để giảm nguy cơ mắc viêm mũi dị ứng thai kỳ, mẹ bầu nên thực hiện các biện pháp sau:

– Chú trọng, luôn giữ môi trường sống xung quanh sạch sẽ, thoáng khí, tránh để nhiều bụi bẩn, hay môi trường ẩm ướt dễ tạo nấm mốc. Thường xuyên giặt chăn gối, lau dọn nhà cửa.

– Hạn chế tiếp xúc với phấn hoa hay lông của thú nuôi chẳng hạn như chó mèo…Luôn đeo khẩu trang khi ra đường tránh khói bụi.

Đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc bụi bẩn, khói bụi...giúp phòng bệnh viêm mũi dị ứng 

Đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc bụi bẩn, khói bụi…giúp phòng bệnh viêm mũi dị ứng 

– Cần giữ ấm cơ thể nhất là phần cổ và mũi tránh cảm lạnh. Chú ý vệ sinh cá nhân hàng ngày, luôn giữ răng miệng sạch sẽ, súc miệng với nước muối sinh lý hay các sản phẩm súc miệng chuyên dụng.

–  Thực hiện chế độ ăn uống đủ chất, bổ sung dinh dưỡng, vi lượng nhất là vitamin C để tăng cường sức đề kháng của bản thân. Đồng thời kết hợp các bài vận động nhẹ nhàng như đi bộ, yoga…Việc tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp lưu thông đường thở mà còn hỗ trợ việc sinh sản, tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé.

Trên đây là những chia sẻ giúp mọi người hiểu rõ hơn về viêm mũi dị ứng khi mang thai cũng như cách điều trị và phòng tránh bệnh. Việc giữ sức khỏe khi mang thai cần hết sức thận trọng. Khi có bất kỳ biểu hiện nào của bệnh viêm mũi dị ứng các mẹ bầu cần tham khảo ý kiến từ các chuyên gia để có phương pháp điều trị phù hợp nhất, tránh nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *