Rễ phơi hay sấy khô của cây Ô dược [Lindera aggregata (Sims) Kosterm.], họ Long não (Lauraceae).
Mô tả
Hình thoi, hơi cong, có chỗ phình to ở giữa, hai đầu hơi lõm vào thành hình chuỗi hạt, dài 6 cm đến 15 cm, đường kính chỗ phình to 1 cm đến 3 cm, mặt ngoài màu vàng nâu, có vết nhăn dọc, nhỏ và còn lại một ít vết tích của rễ con. Chất cứng.
Ô dược phiến: Lát dày 2 mm đến 3 mm, mặt cắt ngang có màu trắng vàng hay vàng nâu nhạt, có tia gỗ tỏa ra, có thể nhìn thấy các vòng gỗ hàng năm, màu gỗ phần trung tâm thẫm hơn. Mùi thơm, vị hơi đắng, cay, cảm giác mát lạnh.
Bột
Màu trắng vàng, có nhiều hạt tinh bột, hạt đơn hình cầu hoặc hình trứng, đường kính 4 µm đến 39 µm. rốn hình chữ V, chữ Y hoặc dạng khe; hạt tinh bột kép do 2 hạt đến 4 hạt đơn ghép thành. Sợi gỗ màu vàng nhạt, phần lớn xếp thành bó, đường kính 20 µm đến 30 µm, thành dày khoảng 5 µm có nhiều lỗ. Sợi libe hầu như không có màu, hình thoi dài, phần nhiều rải rác và đơn lẻ, đường kính 15 µm đến 17 µm, thành rất dày, với các thành ống có lỗ không rõ rệt. Những mạch có lỗ ở bờ cạnh, đường kính 68 µm xếp thành hàng dày sít nhau. Thành tế bào của sợi gỗ hơi dày lên và có lỗ dày đặc. Tế bào dầu hình chữ nhật chứa chất tiết màu nâu.
Xem thêm: Bách Bệnh (Rễ) (Radix Eurycomae longifoliae) – Dược Điển Việt Nam 5
Định tính
Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel H.
Dung môi khai triển: Toluen – ethyl acetat (15 : 1).
Dung dịch thử: Lấy 1 g bột dược liệu thô, ngâm 30 min trong 30 ml ether dầu hỏa (30 °C đển 60 °C) (TT), siêu âm 10 min (duy trì ở nhiệt độ dưới 30 °C trong bình cách thủy). Lọc. Bay hơi dịch lọc đến cắn. Hòa tan cắn trong 1 ml ethyl acetat (TT) được dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Hòa lan linderalacton chuẩn trong ethyl acetat (TT) để được dung dịch có chứa 0,75 mg/ml. Nếu không có linderalacton thì dùng 0,5 g Ô dược (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 4 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra để khô ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch vanilin 1 % trong acid sulfuric (TT). Sấy bản mỏng ở 105˚C đến khi hiện rõ vết. Quan sát dưới ánh sáng thường. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải cho vết có cùng màu sắc và cùng giá trị Rf với các vết (hoặc với vết của linderalacton) trên sắc ký đồ cùa dung dịch đối chiếu.
Độ ẩm
Không quá 12,0 % (Phụ lục 12.13).
Tạp chất (Phụ lục 12.11)
Rễ già xơ cứng không quá 3,0 %.
Tạp chất khác: Không quá 0,5 %.
Xem thêm: Diên Hồ Sách (Rễ củ) (Tuber Corydalis) – Dược Điển Việt Nam 5
Tro toàn phần
Không quá 4,0 % (Phụ lục 9.8).
Tro không tan trong acid
Không quá 2,0 % (Phụ lục 9.7).
Chất chiết được trong dược liệu
Không dưới 12,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.
Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10). Dùng ethanol 70 % (TT) làm dung môi.
Chế biến
Thu hoạch rễ Ô dược quanh năm tốt nhất vào vụ thu đông hay đầu mùa xuân.
Rễ đào về, loại bỏ tạp chất, bỏ rễ con, rửa sạch, phân loại to nhỏ, ngâm nước khoảng 1 ngày rồi ủ mềm, thái lát dày 2 mm đến 3 mm, phơi hoặc sấy khô gọi là ô dược phiến.
Bào chế
Phiến Ô dược sao vàng: Ô dược phiến được sao cho đến khi có màu vàng.
Ô dược sao cám: Rang cám đến khi có mùi thơm thì cho Ô dược đã thái phiến vào sao cho đến khi phiên ô dược có màu vàng nhạt. Hoặc có thể tẩm mật ong vào Ô dược phiến rồi đem sao với cám đến khi có màu vàng, mùi thơm, rây bỏ cám.
Ô dược chích rượu (Ô dược 10 kg, rượu 2 kg): Tẩm rượu vào Ô dược đã được thái phiến, để yên 30 min cho hút hết rượu rồi sao với cám đến khi bề mặt phiến thuốc có màu vàng, rây bỏ cám.
Ô dược chích muối (Ô dược 10 kg, muối ăn 160 g): Ô dược đã thái phiến, tẩm dung dịch nước muối 5 %, để 30 min cho hút hết nước muối rồi sao với cám đến khi bề mặt phiến thuốc có màu vàng nhạt, rây bỏ cám.
Bảo quản
Để nơi khô, mát, tránh mọt.
Tính vị, quy kinh
Tân, ôn. Vào các kinh phế, tỳ, thận, bàng quang.
Công năng, chủ trị
Hành khí, chỉ thống, kiện vị tiêu thực, ôn thận, tán hàn.
Chủ trị: Bụng trướng đau, đầy bụng, khí nghịch phát suyễn, bụng dưới đau do bàng quang lạnh, di niệu, sản khí, hành kinh đau bụng.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng từ 3 g đến 9 g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.
Kiêng kỵ
Khí hư, nội nhiệt không nên dùng.