banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 1DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 2DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM BẢN BỔ SUNG

TRẮC BÁCH DIỆP (Cacumen Platycladi) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
Trắc bách diệp

Trắc bách diệp hay Trắc bá

Cành non và lá đã phơi hay sấy khô của cây Trắc bá [Platycladus orientalis (L.) Franco], họ Hoàng đàn (Cupressaceae).

Mô tả

Dược liệu thường phân thành nhiều nhánh, các cành nhỏ dẹt, phẳng. Các lá hình vẩy nhỏ, xếp đối chéo chữ thập, dính sát vào cành, màu xanh lục thẫm hoặc xanh lục hơi vàng. Chất giòn, dễ gãy. Có mùi thơm nhẹ, vị đắng, chát và hơi cay.

Bột

Màu xanh lục hơi vàng, soi dưới kính hiển vi thấy: Các tế bào biểu bì trên của lá hình chữ nhật, thành hơi dày lên. Tế bào biểu bì dưới hình gần vuông, có nhiều lỗ khí, lõm xuống, các tế bào phụ trợ tương đối lớn, nhìn nghiêng có hình quả tạ. Các tế bào mô mềm chứa các giọt dầu nhỏ. Sợi mảnh dẻ, đường kính khoảng 18 µm. Đôi khi có các quản bào có lỗ viền (tế bào hình ống viền lõm vào).

Định tính

Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).

Bản mỏng: Silica gel H có dùng dung dịch natri carboxymethylcelulose 0,2 % đến 0,5 % để tráng bản mỏng.

Dung môi khai triển: Cyclohexan – ethyl acetat – acid formic (9 : 1 : 0,5).

Dung dịch thử: Lấy 3 g bột dược liệu, thêm 50 ml ethanol 70 % (TT) và 3 ml acid hydrocloric (TT), đun sôi hồi lưu 3 h, lọc, dịch lọc để chấm sắc ký.

Dung dịch đi chiếu: Hòa tan quercetin chuẩn trong ethanol 95 % (TT) để dược dung dịch có nồng độ 0,5 mg/ml.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 µl dung dịch thử và 1 g dung dịch đối chiếu, triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được khoảng 12 cm, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch nhôm clorid 1 % trong ethanol (TT) và soi dưới đèn tử ngoại ở bước sóng 366 nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có vết phát quang cùng màu, cùng giá trị Rf với vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Xem thêm: TRÀM (Cành và lá) (Ramulus cum folio Melaleucae) – Dược Điển Việt Nam 5

Độ ẩm

Không quá 11,0 % (Phụ lục 12.13). Dùng 10 g dược liệu cắt nhỏ để thử.

Tạp chất

Không quá 6,0 % (Phụ lục 12.11).

Tro toàn phần

Không quá 10,0 % (Phụ lục 9.8).

Tro không tan trong acid

Không quá 3,0 % (Phụ lục 9.7).

Chất chiết được trong dược liệu

Không được ít hơn 15,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.

Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10), dùng ethanol 95 % (TT) làm dung môi.

Định lượng

Phương pháp sắc ký lỏng (Phụ lục 5.3).

Pha động: Methanol – dung dịch kali dihydrophosphat 0,01 M – acid acetic băng (40 : 60 : 1,5).

Dung dịch chuẩn: Cân chính xác một lượng quercitrosid chuẩn hòa tan trong methanol (TT) để được dung dịch có nồng độ chính xác khoảng 50 µg/ml.

Dung dịch thử: Cân chính xác khoảng 0,5 g bột dược liệu vào bình nón nút mài, thêm chính xác 20,0 ml methanol (TT). đậy nút và cân. Siêu âm 30 min, để nguội, đậy nút, cân lại và bổ sung methanol (TT) để có khối lượng ban đầu, lắc kỹ và lọc. Lấy dịch lọc làm dung dịch thử.

Điều kiện sắc ký:

Cột kích thước (25 cm x 4,6 mm), được nhồi pha tĩnh C (5 µm) (Cột C18 là thích hợp).

Derector quang phổ tử ngoại đặt ở bước sóng 254 nm.

Tốc độ dòng: 1 ml đến 2 ml/min.

Thể tích tiêm: 10 µl.

Cách tiến hành:

Tiến hành sắc ký dung dịch chuẩn. Tính số đĩa lý thuyết của cột tính dược theo pic của quercitrosid. Số đĩa lý thuyết của cột phải không được dưới 1500.

Tiến hành sắc ký dung dịch chuẩn và dung dịch thử. Căn cứ vào diện tích píc thu được từ dung dịch thử, dung dịch chuẩn và hàm lượng C21H20O11 của quercitrosid chuẩn đề tính hàm lượng quercitrosid trong dược liệu.

Dược liệu phải chứa không được ít hơn 0,1 % quercitrosid (C21H20O11), tính theo dược liệu khô kiệt.

Xem thêm: TRẠCH TẢ (Thân rễ) (Rhizoma Alismatis) – Dược Điển Việt Nam 5

Chế biến

Thu hái vào mùa hạ và thu. Lấy dược liệu về, chặt lấy cành nhỏ và lá, phơi trong râm đến khô.

Bào chế

Trắc bách diệp: Loại bỏ tạp chất và cành cứng, đem dùng.

Trắc bách thán: Lấy Trắc bách diệp đã nhặt sạch, cho vào nồi, đun to lửa, sao cho có màu sém nâu bên ngoài và màu sém vàng bên trong (sao tổn tinh).

Bảo quản

Để nơi khô mát, đậy kín.

Tính vị, quy kinh

Khổ, sáp, hàn. Vào các kinh phế, can tỳ.

Công năng, chủ trị

Công năng: Lương huyết, chi huyết.

Chủ trị: Nôn ra máu, chảy máu cam, ho ra máu, đại, tiểu tiện ra máu, băng huyết, rong huyết.

Cách dùng, liều lượng

Ngày uống từ 6 g đến 12 g, dạng thuốc sắc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *