banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM V TẢI PDF MIỄN PHÍ

Muồng Trâu (Lá) (Folium Senna alatae) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
Muồng trâu

Lá chét phơi hay sấy khô của cây Muồng trâu [Senna alata  (L.) Roxb. Syn. Cassia alata L.], họ Đậu (Fabaceae).

Mô tả

Lá kép hình lông chim, dài 30 cm đến 40 cm, gồm 8 đến 12 đôi lá chét hình trứng hoặc hình bầu dục hẹp tròn ở hai đầu, lá chét dài 5 cm đến 13 cm, rộng 2,5 cm đến 7 cm, to dần về phía ngọn. Cuống ngắn hơi phình to ở gốc. Gân lá hình lông chim. Mặt trên lá màu xanh đậm, mặt dưới lá màu xanh nhạt hơn, hai mặt nhẵn. Mép lá nguyên.

Vi phẫu

Gân giữa của lá có mặt trên phẳng, mặt dưới lồi. Biểu bì trên và biểu bì dưới của phần gân lá và phần phiến lá có lông che chở đơn bào ngắn, đầu nhọn, mặt dưới lá mật độ lông dày hơn. Riêng phần phiến lá có u lồi cutin và lỗ khí ở cả hai mặt. Các tế bào mô dày góc xếp thành đám nằm sát biểu bì ở phần gân lá. Một cung libe-gỗ nằm giữa gân lá, hai đầu cung cuộn vào phía trong nhưng không giáp nhau. Libe nằm thành từng đám nhỏ liên tục, gồm những tế bào nhỏ thành nhăn nheo, xen kẽ với các đám libe là mô mềm libe gồm những tế bào to hơn, tròn, vách mỏng. Gỗ tập trung thành một đám dày gồm những tế bào có thành hóa gỗ ở vùng mặt trên cuống lá và tạo một vòng cung gồm những bó gỗ hình tam giác ở mặt dưới vùng cuống lá. Phía ngoài cung libe-gỗ có một vòng mô cứng bao quanh thành một vòng kín hình tim ở vùng gân lá, gồm những tế bào có thành dày. Phía trong cung libe-gỗ có mô mềm đặc gồm những tế bào thành mỏng hình đa giác. Tinh thể calci oxalat hình lập phương nằm trong những tế bào mô mềm ven theo cung mô cứng. Phần mô mềm gồm những tế bào to, thành mỏng, vùng phiến lá có những khuyết hình xoan. Phần phiến lá có hai lớp mô giậu, chiếm 1/2 bề dày của phiến lá.

Xem thêm: Cơm Cháy (Hoa) (Flos Sambuci javanicae) – Dược Điển Việt Nam 5

Bột

Bột màu xanh, chất xốp nhẹ. Soi kính hiển vi thấy: mảnh biểu bì trên và biểu bì dưới của lá có tế bào thành mỏng mang lông che chở đơn bào ngắn, đầu nhọn, lỗ khí kiểu song bào và u lồi cutin. Mảnh biểu bì của cuống lá và gân lá có mang lông che chở đơn bào. Mảnh lông đơn bào bị gãy, mảnh mô mềm. Sợi kèm tinh thể calci oxalat hình khối lập phương riêng lẻ. Mảnh mạch điểm, mạch mạng, mạch xoắn và mạch vạch.

Định tính

A.Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 10 ml dung dịch acid sulfuric 25 % (TT) đun sôi trong 2 min, để nguội, lọc vào bình gạn. Cho vào dịch lọc 5 ml cloroform (TT), lắc. Để lắng, gạn lấy lớp cloroform, thêm 2 ml dung dịch natri hydroxyd 10 % (TT), lắc, để lắng, lớp kiềm có màu hồng hoặc đỏ.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: n-Hexan – ethylacetat (5 : 1).
Dung dịch thử: Lấy 2 g bột dược liệu đun trên cách thủy với  20 ml ethanol 96 %  (TT) trong 30 min, để nguội, lọc, để bay hơi dịch lọc đến cắn khô. Thêm vào cắn 10 ml nước và 1 ml  dung dịch acid hydrocloric 10% (TT) đun trong cách thủy 30 min, để nguội sau đó lắc với 20 ml ether ethylic (TT), bay hơi dịch chiết ether đến còn 2 ml làm dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Pha dung dịch chrysophanol chuẩn 0,1 % trong ethanol 96 % (TT ) . Nếu không có chất đối chiếu, dùng 2 g bột lá Muồng trâu (mẫu chuẩn), chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 µl mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí, quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 366 nm và đặt bản mỏng trong hơi amoniac. Quan sát dưới ánh sáng thường. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết có cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Xem thêm: Cốt Toái Bổ (Thân rễ) (Rhizoma Drynariae) – Dược Điển Việt Nam 5

Độ ẩm

Không quá 13,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 105 °C, 5h).

Tro toàn phần

Không quá 5,0 % (Phụ lục 9.8).

Tro không tan trong acid hydrocloric

Không quá 0,7 % (Phụ lục 9.7).

Tạp chất

Không quá 0,5 % (Phụ lục 12.11).

Định lượng

Cân chính xác khoảng 0,5 g bột dược liệu (qua rây số  355) cho vào bình nón 100 ml. Thêm 5 ml  acid acetic băng (TT). Đun hỗn hợp trong 20 min dưới ống sinh hàn ngược trong cách thủy sôi. Để nguội, thêm vào bình nón 40 ml  ether ethylic (TT) và đun hồi lưu trên cách thủy 15 min. Để nguội, lọc qua bông vào một bình gạn 250 ml, rửa bông bằng 10 ml ether ethylic (TT). Cho bông trở lại vào bình nón, lặp tại cách chiết như trên 2 lần, mỗi lần dùng 10 ml ether ethylic (TT) và đun hồi lưu cách thủy có sinh hàn ngược được làm lạnh bằng nước đá trong 10 min. Để nguội, lọc qua bông. Tráng bình nón bằng  10 ml ether ethylic (TT), lọc qua bông trên. Tập trung các dịch lọc ether ethylic vào bình gạn trên.
Thêm cẩn thận 50 ml dung dịch kiềm – amoniac (xem ghi chú) vào dịch chiết ether ethylic đựng trong bình gạn, lắc trong 5 min. Sau khi hỗn hợp đã phân lớp hoàn toàn, gạn lớp nước màu đỏ trong suốt vào bình định mức 250 ml. Tiếp tục chiết lớp ether 3 lần, mỗi lần với 40 ml dung dịch kiềm – amoniac. Tập trung các dịch chiết kiềm vào bình định mức và thêm dung dịch kiềm – amoniac tới vạch.
Hút 25 ml dung dịch thu được cho vào một bình nón và đun nóng 15 min trong cách thủy với ống sinh hàn ngược. Để nguội, đo mật độ quang ở bước sóng 520 nm (Phụ lục  4.1), so sánh với mẫu trắng là dung dịch kiềm – amoniac.
Nồng độ anthranoid trong dung dịch cần đo được biểu thị  bằng 1,8-dihydro anthraquinon và xác định bằng đường cong chuẩn.
Xây dựng đường cong chuẩn: Pha một dãy dung dịch cobalt clorid (CoCl2.6H2O) có nồng độ từ 0,2 % đến 5% và đo mật độ quang các dung dịch này ở bước sóng 520 nm  (Phụ lục 4.1). Trên trục tung ghi mật độ quang đo được. Trên trục hoành ghi nồng độ dẫn chất anthranoid tương ứng với nồng độ cobalt clorid, tính ra mg trong 100 ml.

Theo quy ước, mật độ quang của dung dịch cobalt clorid 1 % bằng mật độ quang của 0,36 mg 1,8-dihydro anthraquinon trong 100 ml dung dịch kiềm – amoniac.
Hàm lượng phần trăm dẫn chất anthranoid trong dược liệu tính theo công thức:
X%=[250 * c ]/ [10*a(100-h)] Trong đó:
c là nồng độ dẫn chất anthranoid bằng mg/100ml tính theo  đường cong chuẩn;
a là khối lượng dược liệu (g);
h là độ ẩm dược liệu (%).
Dược liệu phải chứa ít nhất 0,2 % dẫn chất anthranoid  biểu thị bằng 1,8-dihydro anthraquinon tính theo dược  liệu khô kiệt.
Ghi chú. Dung dịch kiềm – amoniac: Lấy 5 g natri hydroxyd  (TT) thêm 2 ml amoniac (TT), thêm nước vừa đủ 100 ml.

Chế biến

Thu hoạch vào mùa hạ, hái lấy lá, phơi âm can, hoặc sấy nhẹ hay sao đến khô.

Bảo quản

Để nơi khô, mát, tránh ánh sáng.

Tính vị, quy kinh

Tân, ôn. Vào các kinh can, đại trường.

Công năng, chủ trị

Nhuận tràng, lợi gan mật, tiêu độc, tiêu viêm, sát trùng, chỉ ngứa.

Chủ trị: Táo bón (dùng sống), viêm gan, da vàng (dùng dược liệu đã sao khô).

Dùng ngoài chữa hắc lào, viêm da thần kinh, ngứa lở.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng từ 4 g đến 5 g (nhuận tràng), dạng thuốc sắc.

Dùng ngoài: Lượng thích hợp, rửa sạch, giã nát lá, lấy nước cốt bôi, một ngày 2 lần, hoặc lấy lá tươi vò, chà sát vào chỗ bị hắc lào.

Kiêng kỵ

Phụ nữ có thai không nên dùng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *