Cao huyết áp
Cao huyết áp (một tên gọi khác của tăng huyết áp) là một bệnh lý nghiêm trọng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh não, tim, thận và các bệnh khác. Trên thế giới, ước tính có khoảng 1,13 tỷ người đang mắc, trong đó ⅔ sống và làm việc ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Bài viết dưới đây giúp độc giả có cái nhìn tổng quát nhất về cao huyết áp cũng như hướng dẫn mọi người cách đề phòng bệnh tốt nhất.
1. Cao huyết áp là bệnh gì? Chỉ số bao nhiêu là cao huyết áp?
Cao huyết áp là một bệnh lý mãn tính khi áp lực của tuần hoàn tác động lên thành động mạch cao hơn mức bình thường.
Huyết áp được biểu diễn dưới 2 chỉ số: Huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương.
– Chỉ số đầu tiên là huyết áp tâm thu đại diện cho áp suất của tuần hoàn khi tim đập hay co bóp bơm máu ra ngoài.
– Chỉ số thứ hai là huyết áp tâm trương khi tim nghỉ giữa các nhịp đập của tim.
Vậy chỉ số này trong bệnh cao huyết áp là bao nhiêu? Được chẩn đoán như thế nào?
Kết quả đo huyết áp được đọc bởi máy đo huyết áp được thực hiện bởi nhân viên y tế hoặc người có kinh nghiệm. Với người lớn, có 5 chỉ số được xác định như sau:
– Chỉ số huyết áp khỏe mạnh là nhỏ hơn 120/80 mmHg.
– Tiền huyết áp cao: Huyết áp tâm thu từ 120 – 139 mmHg hoặc tâm trương từ 80 – 89 mmHg.
– Tăng huyết áp giai đoạn 1: Huyết áp tâm thu là 140 – 159 mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 90 – 99 mmHg.
– Tăng huyết áp giai đoạn 2: Huyết áp tâm thu từ 160 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương 100 mmHg trở lên.
Dựa vào cách chia này có thể xác định được mức độ của bệnh cao huyết áp.
Chỉ số bao nhiêu thì được gọi là Cao huyết áp ?
2. Nguyên nhân gây cao huyết áp
Cao huyết áp được phân loại thành cao huyết áp nguyên phát hoặc cao huyết áp thứ phát:
– Cao huyết áp nguyên phát: Hầu hết các trường hợp tăng huyết áp đều không có nguyên nhân và được gọi là tăng huyết áp nguyên phát (vô căn), có xu hướng phát triển từ từ trong nhiều năm.
– Cao huyết áp thứ phát: Cao huyết áp thứ phát là hậu quả của nhiều bệnh lý khác nhau như bệnh u tuyến giáp, bệnh thận, u tuyến thượng thận,…Bệnh có xu hướng xuất hiện đột ngột, với tình trạng nghiêm trọng hơn cao huyết áp nguyên phát.
3. Triệu chứng của cao huyết áp
Cao huyết áp có thể đã diễn ra trong nhiều năm nhưng lại không có bất cứ dấu hiệu cảnh báo nào. Vậy nên, nó được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”.
Triệu chứng của cao huyết áp thường mờ nhạt và không điển hình, chúng bao gồm đau đầu vào buổi sáng sớm, nhịp tim không đều, ù tai, thay đổi thị lực hoặc hiếm hơn là chảy máu cam. Trong giai đoạn nặng, cao huyết áp có thể khiến cơ thể mệt mỏi, đau ngưc, buồn nôn, run cơ hoặc lú lẫn.
Khi không được điều trị kịp thời có thể gây nên những cơn tăng huyết áp, có thể gây những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như tổn thương tim nghiêm trọng.
Khi áp lực lên thành mạch quá cao gây cứng động mạch, giảm lượng máu và Oxy đến tim dẫn đến các tình trạng nặng hơn:
– Các đơn đau thắt ngực.
– Suy tim, đau tim do dòng máu đến tim ngày càng tắc nghẽn khiến các tế bào cơ tim chết do thiếu oxy.
– Đột quỵ do tim đập không đều.
– Ngoài ra, tăng huyết áp ảnh hưởng đến các cơ quan khác như tổn thương thận dẫn đến suy thận.
Cách duy nhất để nhận biết là đo huyết áp thường xuyên, theo dõi sức khỏe định kỳ để chẩn đoán sớm các bệnh có thể xảy ra.
4. Những ai có nguy cơ mắc cao huyết áp
Một số yếu tố có thể dẫn đến nguy cơ mắc cao huyết áp cao hơn. Nếu như trong tình trạng này người bệnh nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh:
– Tuổi tác: Khoảng 64 tuổi trở nên nguy cơ mắc huyết áp cao ngày càng tăng.
– Di truyền: Trong gia đình nếu có người mắc huyết áp cao thì cũng có nguy cơ mắc bệnh.
– Thừa cân hoặc béo phì: Khi cân nặng càng nhiều thì lượng máu cần cung cấp nhiều hơn. Khi khối lượng máu lưu thông tăng có thể dẫn đến áp lực lên động mạch cũng tăng theo.
– Sử dụng thuốc lá: Chất hóa học có trong thuốc lá có thể làm ảnh hưởng xấu đến lớp niêm mạc của thành động mạch làm thu hẹp động mạch tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
– Ăn quá nhiều muối: khiến cơ thể giữ nước làm tăng huyết áp.
– Ngoài ra, có thể một số yếu tố nguy cơ khác như căng thẳng kéo dài, bệnh mãn tính, uống nhiều rượu,…
– Phụ nữ mang thai: Tăng huyết áp thai kỳ là một trong những tình trạng hay gặp và vô cùng nguy hiểm trong giai đoạn mang thai. Vì vậy người mẹ không được chủ quan và hét sức đề phòng bệnh để xử trí kịp thời.
Không sử dụng thuốc lá – Giảm nguy cơ mắc cao huyết áp
5. Cách điều trị cao huyết áp
Đối với mỗi giai đoạn tăng huyết áp sẽ có cách điều trị phù hợp. Với tiền huyết áp hoặc giai đoạn 1, thay đổi lối sống được ưu tiên lên hàng đầu. Đối với giai đoạn 2 cần phải có sự can thiệp của thuốc để kiểm soát huyết áp ở mức ổn định.
5.1. Thay đổi lối sống
Xây dựng lối sống lành mạch chiếm một ý nghĩa quan trọng trong chữa bệnh cao huyết áp. Người bệnh có thể kiểm soát huyết áp bằng một số biện pháp tại nhà phổ biến sau:
– Chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế lượng muối trong các bữa ăn. Điều này giúp kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, đau tim.
– Hạn chế tối đa hoặc ngừng hẳn rượu bia, thuốc lá. Các chất hóa học này ảnh hưởng đến các mô trong cơ thể và làm cứng thành mạch, giảm tính đang hồi. Hơn nữa rượu cũng là nguyên n nhân gây ra nhiều bệnh đối với cơ thể người.
– Thường xuyên tập thể dục đều đặn. Giữ cân nặng ở mức lý tưởng từ việc hoạt động thể chất nhiều hơn. Đồng thời, tập thể dục còn giúp giảm căng thẳng, là biện pháp điều trị cao huyết áp một cách tự nhiên, tăng cường sức khỏe tim mạch. Tránh trường hợp nhiều người thắc mắc: Tăng huyết áp có nên tập thể dục?
– Một số hoạt động giúp duy trì huyết áp ổn định, bao gồm:
+ Thiền.
+ Thở sâu.
+ Yoga.
– Theo dõi huyết áp: Để ngăn ngừa biến chứng hoặc nhận biết sớm sự phát triển của bệnh cao huyết áp, nên thường xuyên theo dõi và ghi chép lại huyết áp mỗi ngày.
– Chủ động tìm hiểu các cách xử trí nhanh tăng huyết áp đột ngột tại nhà để có thể kịp thời cấp cứu.
Thay đổi lối sống phù hợp với cao huyết áp
5.2. Chế độ ăn của người cao huyết áp
Một trong những cách đơn giản nhất để kiểm soát huyết áp và ngăn ngừa biến chứng xảy ra là có chế độ ăn uống hợp lý. Lựa chọn những loại thực phẩm vừa đảm bảo dinh dưỡng mà vừa có tác dụng tốt với bệnh nhân cao huyết áp. Một vài lưu ý cho bệnh nhân cao huyết áp trong bữa ăn hàng ngày bao gồm:
– Ăn nhiều rau, ít thịt.
– Giảm lượng muối trong chế độ ăn uống: Với những người có nguy cơ hoặc bị tăng huyết áp cần giữ Natri hằng ngày trong khoảng 1500 – 2300 mg. Hạn chế đồ ăn nhanh và đồ ăn đóng gói sẵn, do chúng thường có hàm lượng Natri cao.
– Cắt giảm đồ ngọt. Cố gắng ăn ít thức ăn có đường hơn.
– Hạn chế thực phẩm giàu chất béo bão hòa.
5.3. Thuốc điều trị cao huyết áp
Việc dùng thuốc phải tuân theo chỉ định của bác sĩ, chuyên gia. Trong đó, một số loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị cao huyết áp như:
– Thuốc chẹn Beta: Giúp tim đập chậm hơn và ít lực hơn, từ đó giảm lượng máu bơm qua động mạch trong mỗi nhịp đập.
– Thuốc lợi tiểu: Giúp loại bỏ ion Na qua nước tiểu.
– Thuốc ức chế men chuyển: Angiotensin là chất hóa học giúp mạch máu co lại khiến tăng áp lực lên động mạch. Thuốc ức chế enzym này giúp giãn mạch, hạ huyết áp.
– Thuốc chẹn thụ thể Angiotensin II: Thuốc ức chế men chuyển ngăn chặn quá trình tạo Angiotensin còn thuốc chẹn thụ thể ngăn chặn Angiotensin liên kết với các thụ thể tương ứng khiến nó không đem lại hiệu quả.
– Thuốc chẹn kênh Canxi: Ngăn chặn 1 phần dòng Canxi đi vào cơ tim, khiến nhịp tim chậm và huyết áp thấp hơn. Đồng thời, nó cũng giúp mạch máu giãn ra làm hạ huyết áp.
– Thuốc chủ vận Alpha-2.
Cao huyết áp có thể để lại biến chứng vô cùng nặng nề. Chính vì vậy, cần phải xây dựng lối sống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe của bản thân và mọi người. Đồng thời mọi người hãy chủ động tìm hiểu thông tin, tránh những sai lầm tai hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Mọi người có thể tham khảo thêm bài viết: SAI LẦM trong điều trị cao huyết áp là CĂN NGUYÊN CHÍNH dẫn đến ĐỘT QUỴ