Gout là căn bệnh mạn tính, căn nguyên chính là do sự rối loạn chuyển hóa Acid uric. Cho đến nay, căn bệnh này vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Người mắc bệnh Gout phải sống chung với căn bệnh này và cần kiêng khem nhiều thứ để tránh cho cơn Gout cấp tái phát, phòng ngừa biến chứng xảy ra.
Cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu về các biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
I. Sưng đau các khớp
Nồng độ Acid uric cao khiến các tinh thể Urat lắng đọng tại ổ khớp, lâu ngày tạo thành hạt Tophi. Hạt thường được hình thành sau khoảng 10 năm kể từ khi xuất hiện cơn Gout cấp và có thể sớm hơn ở người cao tuổi. Đây là một triệu chứng nghiêm trọng của bệnh Gout.
Hạt Tophi có thể hình thành khi bị Gout dài ngày
Khi mới hình thành, hạt nhỏ, mềm, có thể di động được. Tại vùng nổi hạt có biểu hiện sưng, đỏ. Bệnh Gout tiến triển nặng hơn, lượng Acid uric máu tăng nhanh, tích tụ nhiều khiến cho hạt lớn dần lên, cố định ở khớp.
Bình thường, hạt không gây đau, nhưng hạt to, cố định ở các khớp gây mất thẩm mỹ, điều này có thể làm ảnh hưởng tới tinh thần của người bệnh. Tuy nhiên, khi hạt Tophi bị vỡ ra sẽ gây đau nhức, khó chịu. Không chỉ vậy, chúng còn gây hoại tử, biến dạng xương khớp, nhiễm khuẩn huyết, khó khăn trong vận động, nặng hơn là tàn phế, không thể di chuyển được.
II. Suy giảm chức năng thận
Gout không chỉ gây tổn thương các khớp mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể như thận. Theo các thống kê cho thấy, 10 – 15% người bệnh Gout có các tổn thương ở thận.
Acid uric là chất thải tự nhiên của cơ thể, được chuyển hóa qua thận. Nồng độ Acid uric trong máu tăng cao làm lắng đọng tinh thể Urat, tổn thương đến cầu thận, ống thận, gây viêm. Tình trạng này kéo dài dẫn tới suy giảm chức năng thận.
Acid uric tích lũy dài ngày gây sỏi thận và nhiều biến chứng nguy hiểm khác
Ngoài ra, khi lắng đọng tinh thể Urat quá nhiều sẽ hình thành sỏi thận. Sỏi urat là loại sỏi không cản quang, không được phát hiện khi chụp X-quang, loại sỏi này chỉ được phát hiện thông qua siêu âm hệ tiết niệu. Sỏi hình thành gây tắc nghẽn, ứ nước, dẫn đến viêm đài thận, bể thận, nhiễm trùng hệ tiết niệu, suy giảm chức năng thận. Ngược lại, khi thận bị tổn thương, khả năng đào thải Acid uric kém, làm nặng hơn bệnh Gout.
Do đó, không kiểm soát tốt bệnh Gout làm tăng nguy cơ tổn thương đến thận và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
III. Tác dụng phụ của thuốc điều trị
Hiện nay, việc dùng các thuốc Tây y trong điều trị Gout càng trở nên phổ biến. Một số loại thuốc có thể kể đến như Colchicin, Corticoid, NSAIDs, Allopurinol, Febuxostat… Tuy nhiên, khi sử dụng các thuốc này gây ra nhiều tác hại trên các cơ quan khác như:
1. Gây hại cho dạ dày
Hầu hết các thuốc chữa Gout đều được dùng theo đường uống, chúng đi vào dạ dày rồi được hấp thu, chuyển hóa để phát huy tác dụng. Dùng trong thời gian dài hay dùng quá liều lượng sẽ gây viêm loét dạ dày tá tràng do ảnh hưởng của thuốc.
2. Rối loạn tiêu hóa
Nhiều trường hợp sau khi uống các thuốc Colchicin, Corticoid… bị đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón…
Dùng thuốc trị Gout dài ngày có thể gây rối loạn tiêu hóa
3. Tổn thương gan
Các thuốc Tây y thường có hiệu quả chữa bệnh nhanh, tuy nhiên, các thuốc này phần lớn được chuyển hóa qua gan, gánh nặng lên gan lớn, dùng thuốc trong thời gian dài khiến gan hoạt động quá sức, làm tăng nguy cơ suy giảm chức năng gan và mắc các bệnh về gan.
Do đó, ở người mắc các bệnh lý về gan có thể được giảm liều thuốc điều trị Gout, thậm chí là không được phép sử dụng.
4. Suy thận, tổn thương thận
Bị bệnh Gout có thể gây tổn thương thận do nồng độ Acid uric cao. Không những thế, các thuốc điều trị Gout cũng làm ảnh hưởng tới chức năng thận, gây suy thận.
Hiện nay, tình trạng lạm dụng Glucocorticoid trong điều trị Gout đang diễn ra khá phổ biến. Nhiều người bệnh đang phải gánh chịu nhiều hậu quả khôn lường do lạm dụng thuốc này. Corticoid là con dao 2 lưỡi hết sức nguy hiểm. Thực tế, Corticoid có tác dụng giảm đau nhanh chóng, dùng trong điều trị cơn Gout cấp. Thế nhưng, dùng lâu ngày có thể gây suy tuyến thượng thận, phù do giữ nước, tăng huyết áp, tiểu đường, hạ Kali máu, loãng xương cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Do đó, chỉ nên dùng thuốc ngắn hạn và theo đúng chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc trong điều trị để tránh các tác hại do phản ứng phụ của các thuốc gây ra. Việc lạm dụng các thuốc Tây y, bao gồm Corticoid còn gây ra tình trạng nhờn thuốc, dẫn đến khó khăn trong điều trị khi bệnh tiến triển nặng hơn.
Xem thêm: Sai lầm trong điều trị bệnh Gout.
IV. Lời khuyên cho người bệnh Gout
Khi bị bệnh Gout, người bệnh nên lưu ý một số vấn đề sau đây:
– Hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa nhiều Purin như hải sản, nội tạng động vật thịt bò, rượu, bia và nhiều chất kích thích khác.
– Ăn nhiều rau củ, trái cây, uống nhiều nước.
– Nên có chế độ vận động, sinh hoạt phù hợp, tránh lao động, làm việc quá sức.
– Giữ cho tinh thần lạc quan, thoải mái.
– Không lạm dụng thuốc Tây y trong điều trị bệnh.
– Không dùng các thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, có thể khiến bệnh nặng thêm.
– Thăm khám định kỳ để có biện pháp điều trị phù hợp, tránh các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.
Mong rằng, qua bài viết trên, người bệnh có thêm những thông tin hữu ích để có biện pháp phòng và điều trị bệnh phù hợp, tránh các biến chứng có thể xảy ra do bệnh tiến triển nặng hơn.
Xem thêm: Chế độ ăn cho người bệnh Gout