Sai lầm trong điều trị gan nhiễm mỡ?
Gan nhiễm mỡ là 1 bệnh khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Nhưng chính việc chủ quan trước những triệu chứng bất thường của cơ thể hay thiếu thông tin chính xác đã làm cho nhiều người bỏ qua những cảnh báo của cơ thể dẫn đến việc điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn. Để tránh để tình trạng bệnh nặng hơn, tiến triển sang suy gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan hãy cùng chúng tôi chỉ ra những sai lầm phổ biến mà mọi người hay mắc phải trong điều trị gan nhiễm mỡ.
1. Gan nhiễm mỡ ít biểu hiện triệu chứng nên thường không nguy hiểm
Gan nhiễm mỡ không có nhiều triệu chứng đặc hiệu để nhận biết. Bệnh tiến triển âm thầm, biểu hiện ban đầu thường chỉ là ấm ách, khó chịu ở bụng làm chúng ta rất dễ bỏ qua và coi như đó chỉ là do rối loạn tiêu hóa nhẹ.
Hơn nữa, gan là cơ quan kì diệu có cơ chế tự hồi phục, sản sinh những tế bào mới để bù cho những tế bào tổn thương. Và do đó khi gan không còn khả năng bù trừ được nữa mới biểu hiện các triệu chứng rầm rộ như vàng da, sụt cân, mệt mỏi nhiều… Đến lúc đó người bệnh mới nhận ra thì chức năng gan đã suy giảm trầm trọng.
Chính vì vậy khi cảm thấy cơ thể có biểu hiện bất thường dù chỉ là nhỏ nhất nên đi kiểm tra và nhận tư vấn của bác sĩ. Ở mức độ nhẹ bệnh có thể hồi phục hoàn toàn. Với tỷ lệ 50% người bị gan nhiễm mỡ do rượu không được điều trị đều diễn biến thành viêm gan, xơ gan… thì không thể coi nhẹ bệnh gan nhiễm mỡ.
Nếu không được điều trị gan nhiễm mỡ tiến triển thành xơ gan
2. Gan nhiễm mỡ chỉ gặp ở người béo phì
Có một thống kê chỉ ra rằng 70% người bị gan nhiễm mỡ đều trong tình trạng thừa cân, béo phì nhưng không phải vì thế mà người gầy không mắc căn bệnh này.
Gan nhiễm mỡ là tình trạng gan quá tải trong việc chuyển hóa chất béo gây nên tình trạng mỡ tích tụ quá nhiều chiếm từ 5-10% tỷ trọng của gan. Điều đó có nghĩa là khi chế đô ăn uống không khoa học, chế độ sinh hoạt bất thường, lạm dụng thuốc, các bệnh lý khác của cơ thể.. dẫn đến rối loạn chuyển hóa và làm cho gan không thực hiện đúng chức năng của mình.
Tuy nhiên với những người béo phì, chế độ ăn nhiều dầu mỡ, chất béo thì nguy cơ gan nhiễm mỡ cũng cao hơn. Vì vậy ăn uống khoa học, tăng cường vận động, kiểm soát cân nặng… là những việc làm cần thiết để tăng cường sức khỏe, phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh trên tim mạch, chuyển hóa tốt hơn.
Xem thêm: Thực đơn hàng ngày cho người bị gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ có phải chỉ gặp ở người béo phì?
3. Chỉ những người hay uống rượu mới bị gan nhiễm mỡ
Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến việc bị gan nhiễm mỡ có thể kể đến là việc lạm dụng, uống quá nhiều, nghiện rượu. Tuy nhiên uống rượu không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến tình trạng này. Một số nguyên nhân khác có thể kể đến như:
– Người mắc hội chứng chuyển hóa, bệnh đái tháo đường, có hàm lượng cholesterol – triglycerid trong máu cao.
– Người bị suy dinh dưỡng.
– Phụ nữ mang thai.
– Sử dụng thuốc gây độc gan như quá liều Paracetamol….
– Người có tiền sử bệnh lý trên gan…
Nhưng không thể phủ nhận rượu ảnh hưởng rất nhiều đến chuyển hóa trong cơ thể và đặc biệt đến chức năng của gan. Vì vậy cần kiểm soát lượng rượu bia nạp vào cơ thể. Hạn chế ở mức tối đa để ngăn ngừa hiệu quả bệnh gan nhiễm mỡ. Nếu không thể từ chối chỉ nên uống không quá 2 ly rượu với nam hoặc 1 ly đối với nữ.
Lạm dụng rượu dẫn đến nguy cơ cao bị gan nhiễm mỡ
4. Điều trị gan nhiễm mỡ bắt buộc phải uống thuốc tây
Không phải cứ được chẩn đoán bị gan nhiễm mỡ cũng cần đến thuốc để điều trị. Việc quyết định có nên sử dụng thuốc còn phụ thuộc vào tình trạng, nguyên nhân gây ra bệnh. Cụ thể như:
– Nếu chỉ ở mức độ nhẹ, nguyên nhân do không kiểm soát được việc ăn uống thì có thể điều chính lại chế độ dinh dưỡng, thay thế bằng những nhóm thực phẩm tốt, tăng cường luyện tập thể dục có thể cải thiện tình trạng bệnh.
– Do lạm dụng rượu bia thì nên ngừng uống rượu,
– Các bệnh chuyển hóa như đái tháo đường, viêm gan siêu vi thì cần kiểm soát tốt tình trạng bệnh.
– Nếu đang sử dụng thuốc gây độc gan thì cần chỉnh liều hay thay thể sang các loại thuốc khác.
Khi bị gan nhiễm mỡ có nghĩa là chức năng gan đang suy giảm. Phần lớn các thuốc tây hiện nay đều được chuyển hóa tại gan cho nên nếu cứ lạm dụng nhiều việc dùng thuốc có thể làm cho tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho tình trạng gan nhiễm mỡ. Do đó bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc khi mà không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Để nhanh cải thiện được bệnh chủ yếu vẫn là điều trị được nguyên nhân gây bệnh. Bên cạnh đó bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng một số bài thuốc dân gian để tăng cường chức năng gan.
Lạm dụng thuốc tây trong điều trị gan nhiễm mỡ
5. Người bị gan nhiễm mỡ phải ăn chay hoàn toàn
Đây là một quan niệm hết sức sai lầm mà nhiều người mắc phải. Do suy nghĩ gan tích tụ mỡ do việc ăn các thực phẩm như thịt, cá,… nên người bệnh có những chế độ kiêng khem bất hợp lý khi phát hiện ra mình bị gan nhiễm mỡ.
Chế độ ăn chay hoàn toàn sẽ khiến cơ thể thiếu hụt chất dinh dưỡng nghiêm trọng:
– Các chuyên gia cho biết khi ăn chay sẽ làm cho cơ thể có quá ít chất béo để hấp thu. Khi đó cơ thể buộc phải phân giải lượng chất béo dự trữ để bù đắp sự thiếu hụt đó. Sự giải phóng 1 lượng chất béo ồ ạt lại khiến gan hoạt động quá tải và làm gan nhiễm mỡ nặng thêm.
– Với chế độ cắt thịt, cá…chỉ ăn mỗi rau để giảm béo, cơ thể sẽ thiếu hụt năng lượng đột ngột làm rối loạn các chức năng cơ thể, hệ miễn dịch suy giảm, sẽ dễ mắc bệnh hơn.
– Khi ăn chay nhưng lại nạp năng lượng từ thực phẩm chứa nhiều tinh bột hay vẫn uống rượu thì vẫn khiến các chỉ số như triglycerid tăng cao, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, gout…
Chính vì vậy việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng khi bị gan nhiễm mỡ cần phải phù hợp. Chế độ ăn hàng ngày vẫn cần cung cấp đủ các nhóm chất tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Thay vì kiêng khem quá mức thì hãy chọn lựa các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, cân bằng dinh dưỡng và đủ năng lượng mới là điều tốt nhất giúp điều trị bệnh hiệu quả.
An chay hoàn toàn có giúp điều trị gan nhiễm mỡ?
Điều trị gan nhiễm mỡ không phải là việc khó. Điều quan trọng là việc bạn hiểu đúng nguyên tắc điều trị bệnh. Nếu có thắc mắc hãy tham khảo ý kiến từ các chuyên gia, có một chế độ sinh hoạt phù hợp, giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh sẽ giúp bạn điều trị bệnh hiệu quả hơn.