Quả gần chín đã phơi khô cùa cây Bạch đậu khấu (Amomum krervanh Pierre ex Gagnep. hoặc Amomum compactum Soland. ex Maton), họ Gừng (Zingiberaceae).
Mô tả
Quả hình cầu dẹt, có 3 múi, đường kính 1 cm đến 1,5 cm. Mặt ngoài vỏ màu trắng ngà, có một số đường vân dọc, đôi khi còn sót cuống quả. Vỏ quả khô dễ tách. Mỗi quả có 20 hạt đến 30 hạt, gọi là khấu mễ hoặc khấu nhân, tập hợp thành khối hình cầu gọi là khấu cầu. Khấu cầu chia làm 3 múi có thành mỏng màu trắng ngăn cách, mỗi múi có 7 hạt đến 10 hạt. Hình dạng hạt không đồng nhất, phần nhiều là hình khối nhiều mặt không đều, đường kính khoảng 3 mm, mặt ngoài màu nâu nhạt đến nâu thẫm, có vân nhỏ, chất cứng. Mặt cắt ngang màu trắng. Hạt chứa nhiều tinh dầu. Mùi thơm, vị cay.
Vi phẫu hạt
Vỏ hạt gồm các tế bào hình chữ nhật, có thành hơi dày. Các tế bào chứa sắc tố màu hồng nâu, to nhỏ không đều. Tế bào chứa tinh dầu. Hạt tinh bột có đường kính 3 µm đến 6 µm.
Tinh thể calci oxalat hình kim, hình khối lập phương.
Độ ẩm
Không quá 12,0 % (Phụ lục 12.13).
Xem thêm: Bạch Thược (Rễ) – Dược Điển Việt Nam 5
Tạp chất (Phụ lục 12.11)
Tỷ lệ quả non, lép; Không quá 10,0 %.
Tạp chất khác: Không quá 3,0 %.
Định lượng
Tiến hành theo phương pháp định lượng tinh dầu trong dược liệu (Phụ lục 12.7), dùng 30 g bột thô dược liệu và 150 ml nước, cất trong 4 h. Dược liệu phải chứa ít nhất 4,0 % tinh dầu tính theo dược liệu khô kiệt.
Chế biến
Hái quả khi có màu lục, bỏ cuống, phơi khô. Khi dùng bỏ vỏ quả lấy hạt, giã nát.
Bảo quản
Để nơi khô, mát, trong bao bì kín, tránh mọt.
Tính vị, quy kinh
Tân, ôn. Vào các kinh phế, tỳ, vị.
Xem thêm: Bạch Tật Lê (Quả) – Dược Điển Việt Nam 5
Công năng, chủ trị
Hóa thấp, hành khí, tiêu bĩ, ôn vị.
Chủ trị: Tiêu hóa kém, hàn thấp nôn mửa, ngực bụng đau trướng, giải độc rượu.
Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng từ 3 g đến 6 g, dạng thuốc bột hoặc thuốc sắc (cho vào sau khi sắc các thuốc khác).
Kiêng kỵ
Trường vị thực nhiệt, táo bón không dùng.