Hen phế quản là bệnh gì?
Hen phế quản là bệnh lý mạn tính đường hô hấp và luôn thường trực đe dọa tính mạng của người bệnh nếu như không biết cách “sống chung” với nó. Việc hiểu biết về bệnh sẽ giúp kiểm soát cơn hen cũng như biết cách ứng phó với cơn hen cấp. Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu về căn bệnh này qua bài viết dưới đây.
I. Bệnh hen phế quản là gì?
Hen phế quản hay còn được gọi với tên quen thuộc khác là hen suyễn hoặc suyễn. Đây là bệnh viêm mạn tính đường hô hấp, làm tăng co thắt, gây phù nề, tăng tiết dịch nhầy dẫn đến tắc nghẽn, chít hẹp đường thở nếu không điều trị kịp thời. Nếu cơn khó thở kéo dài mức độ nặng, bệnh nhân có thể rơi vào cơn nguy kịch dẫn đến tử vong.
Hen phế quản ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, do đó cần biết được nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ, cách điều trị và phòng tránh hợp lý.
II. Nguyên nhân gây bệnh hen phế quản
1. Yếu tố cá thể
Gen: Con của người mắc bệnh hen hay cơ địa dị ứng thì dễ mắc hen hơn so với người bình thường. Khi có bố hoặc mẹ bị hen phế quản thì tỉ lệ con cái sinh ra cũng bị khoảng 33%, khi cả bố và mẹ bị thì tỷ lệ con bị lên đến khoảng 60%.
Béo phì: Các nghiên cứu cho thấy việc trẻ bị thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc hen phế quản cao hơn so với trẻ em bình thường.
Giới tính
– Trẻ em <14 tuổi: nam mắc nhiều hơn nữ.
– Người trưởng thành: nữ mắc nhiều hơn nam.
2. Yếu tố môi trường
Nguyên nhân gây bệnh hen phế quản là gì?
– Dị nguyên đường hô hấp
+ Dị nguyên thường gặp trong nhà thường là bụi nhà, các loại bọ nhà, bụi chăn đệm, lông vật nuôi (chó, mèo).
+ Dị nguyên hay gặp trong khí quyển: Phấn hoa, nấm mốc ở môi trường sống xung quanh hoặc đi qua một vùng nào đó. Nên bệnh cũng khởi phát theo mùa, tương ứng với cơn “mưa” phấn hoa mà bệnh nhân bị mẫn cảm. Ví dụ như đã có trường hợp ghi nhận bệnh nhân hen phế quản bị mẫn cảm với hoa sữa nên thường hay có những cơn hen nặng vào mùa hoa sữa là cuối thu sang đông.
+ Dị nguyên do nghề nghiệp: Cơn hen chỉ thường xuất hiện ở nơi làm việc, khi chuyển công tác thì đỡ hen. Ví dụ như hen phế quản của những người làm trong xưởng dệt, trong lò làm bánh mì.
– Dị nguyên đường ăn uống
+ Khi bệnh nhân mẫn cảm với một loại thức ăn cũng có thể là nguyên nhân gây hen phế quản.
+ Một số phẩm nhuộm thực phẩm như chất tartrazine, acid cacminic,… cũng có thể là nguyên nhân gây hen.
+ Thuốc cũng là một yếu tố gây ra cơn hen phế quản như thuốc nhóm NSAID, đặc biệt cần lưu ý đến Aspirin.
– Do các yếu tố nội tiết
+ Có những quan điểm trên lâm sàng chỉ ra sự liên quan giữa hen phế quản với yếu tố nội tiết
+ Ở độ tuổi dậy thì, bệnh hen có thể bớt hoặc mất hẳn, nhất là ở các bé trai.
+ Thai nghén có ảnh hưởng trái ngược nhau, có người làm nặng lên tình trạng hen, có người lại bớt đi.
+ Những người sắp hành kinh thường thấy cơn hen nặng lên.
+ Ở người mãn kinh có thể xuất hiện lại cơn hen lần đầu hoặc tái xuất hiện với các biểu hiện rõ rệt sau 20-30 năm tưởng như đã khỏi từ bé.
– Yếu tố tâm lý
Người bị hen rất nhạy cảm với mâu thuẫn cảm xúc và các chấn thương tình cảm, có thể khởi phát cơn hen khi có xúc cảm mạnh.
III. Phân loại bệnh hen phế quản
Phân loại theo tần suất các cơn:
Tip I: Thỉnh thoảng mới lên cơn, thường hơn 1 tháng mới có một cơn hen.
Tip II: Có nhiều cơn hen trong 1 tháng, nhưng 1 tuần chỉ có một cơn.
Tip III: Có nhiều cơn hen trong tuần.
Tip IV: Lên cơn hàng ngày và có thể có khó thở liên tục.
IV. Triệu chứng bệnh hen phế quản
Triệu chứng hen phế quản.
Thường gặp: Ho, khó thở nhiều về đêm và gần sáng vì phổi đào thải chất độc vào khoảng từ 3-5 giờ sáng. Hoặc khi thay đổi thời tiết, tiếp xúc dị nguyên, vận động gắng sức, xúc động mạnh.
– Khởi phát: Ho khan, hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, buồn ngủ,…
– Cơn khó thở:
+ Khó thở chậm, khó thở ra, có tiếng cò cử, tiếng rít. Sau đó khó thở tăng nhanh dần, khó thở cả hai thì, có thể kèm theo vã mồ hôi, nói khó,…cảm giác bóp nghẹt lồng ngực, hoảng hốt, sợ hãi.
+ Cơn khó thở ngắn (5-10ph), cơn dài nhiều giờ, ngày, tuần. Có thể tự phục hồi.
+ Kết thúc cơn hen, khó thở giảm, ho khạc đờm trong, quánh, dính. Bệnh nhân cũng rất khó khăn trong việc khạc đờm ra ngoài.
V. Biến chứng của hen phế quản
Biến chứng hen phế quản là gì?
1. Biến chứng tức thì của hen phế quản
– Suy hô hấp: Là những cơn hen ác tính, gây đe dọa đến tính mạng cần cấp cứu khẩn cấp.
– Tràn khí màng phổi: Một số phế nang bị căng chứa đầy khí vỡ ra, khí thoát vào màng phổi gây nên cơn đau ngực dữ dội nguy kịch. Biến chứng này thường xảy ra sau cơn ho rũ rượi, khó thở nhiều.
– Nhiễm khuẩn phế quản: Thường gặp ở người bị hen phế quản nặng, cơn ho kéo dài. Tình trạng nhiễm khuẩn làm việc tắc nghẽn trở nên nghiêm trọng hơn. Khi để tình trạng kéo dài dai dẳng gây ra các ổ mủ mạn tính ở tai mũi họng hoặc suy giảm miễn dịch toàn bộ.
– Các ổ tổn thương nhu mô phổi: Tình trạng viêm mạn tính đường hô hấp tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus tấn công nhu mô phổi.
2. Các biến chứng lâu dài
Thường xuất hiện đối với người bị hen nhiều năm và nặng, không được điều trị đúng cách.
– Biến dạng lồng ngực: Lồng ngực căng tròn, xương ức nhô ra phía trước.
– Biến chứng do điều trị: Do lạm dụng một số loại thuốc như corticoid gây hội chứng Cushing, loãng xương, nhiễm khuẩn dai dẳng do bị ức chế miễn dịch.
– Suy hô hấp mạn tính: Dẫn đến suy tim với các triệu chứng phù, đái ít, gan to, lúc này điều trị ít đem lại hiệu quả. Biến chứng thường gặp ở người lớn tuổi, không được điều trị một cách chu đáo.
VI. Điều trị hen phế quản
1. Điều trị tận gốc
Hen phế quản có thể điều trị tận gốc hay không là thắc mắc của rất nhiều người, bởi vì đôi khi sau một thời gian rất dài không có biểu hiện của bệnh, tưởng như đã khỏi thì bệnh có thể tái phát trở lại.
Nếu biết được chính xác nguyên nhân gây bệnh là gì, có thể điều trị tận gốc, tuy nhiên hen rất khó để tìm được căn nguyên gây bệnh, vì hen thường do nhiều nguyên nhân phối hợp, và cũng có những nguyên nhân không xác định được mà chỉ khi khởi phát cơn hen trong một hoàn cảnh nào đó mới biết được có sự liên quan.
Do vậy điều trị tận gốc hen phế quản hiện nay vẫn còn nhiều thách thức.
2. Điều trị triệu chứng
Thuốc cắt cơn hen
Thuốc cắt cơn hen trong hen phế quản
– Ưu tiên cường β2 tác dụng nhanh: Salbutamol dạng hít.
– Glucocorticoid: Beclomethasone.
– Thuốc kháng phó giao cảm.
– Theophylin: Tiêm/uống giải phóng nhanh.
Chú ý: Thuốc cắt cơn hen cần đảm bảo phải luôn luôn mang bên cạnh và thường xuyên kiểm tra để biết chắc chắn vẫn còn đủ liều để dùng phòng cơn hen cấp.
Thuốc dự phòng cơn hen
– Kích thích β2 tác dụng kéo dài.
– Glucocorticoid.
– Theophylin: viên giải phóng chậm.
– Thuốc đối kháng Leukotriene, Thuốc đối kháng IgE.
– Natri cromoglycate.
Xem thêm: Cách chữa bệnh hen phế quản mãn tính
3. Các biện pháp không dùng thuốc hỗ trợ kiểm soát cơn hen
Cai thuốc lá: Hút thuốc lá chủ động hay bị động cũng đều dẫn đến cơn hen và làm nặng thêm tình trạng hen. Người bệnh cần bỏ tuyệt đối thuốc lá, nếu khó khăn trong việc từ bỏ thuốc lá bệnh nhân nên đến các nơi cung cấp dịch vụ cai thuốc lá.
Tập luyện thể lực: Người bệnh nên tập luyện thể lực giúp cải thiện tình trạng sức khỏe chung, tuy nhiên cần lựa chọn mức độ vừa phải, tránh hoạt động gắng sức và cũng nên lựa chọn địa điểm tập luyện có không khí trong lành.
Chế độ ăn uống phù hợp: Ăn thêm nhiều rau xanh và trái cây, lập danh sách những thực phẩm bản thân dị ứng để mọi người trong gia đình biết, tránh cho vào món ăn.
Tránh ô nhiễm không khí trong nhà: Nhà cửa nên được dọn dẹp sạch sẽ, khô thoáng, tránh bụi bặm, nấm mốc. Không nên nuôi động vật trong nhà để tránh hít phải lông của chúng.
Tránh ô nhiễm không khí ngoài nhà: Không nên đi đến những nơi bị ô nhiễm, khói bụi, nếu bắt buộc phải đến, cần tối thiểu thời gian ở đó nhất có thể.
Đối phó cảm xúc: Tránh những xúc cảm mạnh như cười to, giận giữ, khóc, sợ hãi. Nên tập kiểm soát nó có thể thư giãn bằng hít thở đều, nhẹ, sâu và dài.
Dự phòng và kiểm soát cơn hen như một phần phải gắn liền với cuộc sống của người mắc hen phế quản, tuy bệnh gây ra rất nhiều nỗi bất an lo lắng, khó chịu cho người bệnh nhưng nếu có kiến thức hiểu biết về bệnh và tuân thủ những nguyên tắc phòng-điều trị bệnh thì người bị hen phế quản vẫn có thể sống, sinh hoạt như người bình thường được.
Xem thêm: Phân biệt viêm phế quản và hen phế quản