banner-top
DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 1DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM 5 TẬP 2DƯỢC ĐIỂN VIỆT NAM BẢN BỔ SUNG

Long Nha Thảo (Herba Agrimoniae) – Dược Điển Việt Nam 5

Nếu nội dung bài viết chưa chính xác, vui lòng thông báo cho chúng tôi tại đây
Long nha thảo

Tên khác: Tiên hạc thảo

Phần trên mặt đất đã phơi hay sấy khô của cây Long nha thảo (Agrimonia pilosa Ledeb. var.  nepalensis (D. Don)  Nakai (A. nepanlensis D. Don), họ Hoa hồng (Rosaceae).

Mô tả

Những mảnh lá, thân, cành đã cắt thành đoạn dài 4 cm đến 6 cm. Lá chét nguyên vẹn màu xanh nhạt, hình bầu dục hay hình trái xoan ngược, mép có răng cưa, cả hai mặt đều mang nhiều lông mịn. Thân và cành gần tròn, màu vàng nâu đến nâu, to nhỏ khác nhau, thường rỗng ở giữa.

Vi phẫu

Phần gân chính của lá: Phía trên hơi lõm, phía dưới lồi. Ngoài cùng là lớp biểu bì cấu tạo bởi một hàng tế bào tròn nhỏ, xếp đều đặn, rải rác có lông che chở, lông tiết. Dưới biểu bì có mô dày góc. Mô mềm gồm những tế bào tròn,  thành mỏng. Bó libe-gỗ ở giữa gân chính gồm cung libe bao phủ phía dưới mô gỗ.
Thân: Mặt cắt tròn, từ ngoài vào trong gồm: Biểu bì gồm một lớp tế bào tròn nhỏ, rải rác có lông che chở, lông tiết. Dưới biểu bì là mô dày cấu tạo bởi 2 đến 3 lớp tế bào  nhỏ, thành dày. Mô mềm gồm các tế bào to, hình đa giác, thành mỏng. Mô cứng tập trung thành từng đám tạo thành vòng gần liên tục. Libe-gỗ thành vòng liên tục, libe ở phía  ngoài, gỗ ở phía trong. Có thể thấy mô mềm ruột còn sót lại là những tế bào to hình đa giác, thành mỏng, rải rác có tinh thể calci oxalat hình cầu gai.

Bột

Bột màu xám, vị đắng nhẹ. Soi dưới kính hiển vi thấy: Những mảnh phiến lá; biểu bì lá mang lỗ khí; mảnh biểu bì thân; mảnh mô mềm mang tinh thể calci oxalat hình cầu gai, hình khối; các bó mạch; lông che chở; lông tiết chân có 2 đến 3 tế bào, đầu có 4 đến 6 tế bào. Tế bào mô cứng đứng riêng lẻ hay tụ thành đám.

Xem thêm: Khổ Sâm (Lá và Cành) (Folium et Ramulus Crotonis tonkinensis) – Dược Điển Việt Nam 5

Định tính

A. Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 10 ml nước cất, đun sôi trong 5 min, lọc. Lấy dịch lọc cho vào 2 ống nghiệm, tiến hành tiếp như sau:
Ống 1: Thêm 2 giọt dung dịch sắt (III) clorid 5 % (TT),  xuất hiện màu xanh đen.
Ống 2: Thêm 3 giọt dung dịch gelatin 2 % (TT), xuất hiện tủa bông.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).
Bản mỏng: Silica gel 60F254.
Dung môi khai triển: Cloroformethyl acetat – acid formic  (5 :4 :1 )

Dung dịch thử: Lấy 5 g bột dược liệu, thêm 100 ml nước, đun sôi nhẹ trong 1 h. Lọc, cô dịch lọc còn 30 ml, để  nguội. Lắc dịch lọc với 40 ml dung môi khai triển. Gạn lấy lớp dưới, cô trên cách thủy đến cạn. Hoà cắn trong 1 ml  ethanol 50 % (TT) được dung dịch chấm sắc ký.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 5 g bột Long nha thảo (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như mô tả ở phần Dung dịch thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 µl mỗi  dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng. Phun hỗn hợp dung dịch acid boric 10 % – dung dịch acid oxalic 10% (2 :  1). Sấy ở  105 °C đến khi các vết hiện rõ. Quan sát bản mỏng dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 366 nm. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm

Không được quá 11,0 % (Phụ lục 9.6, 1 g, 105 °C, 4 h).

Tro toàn phần

Không được quá 6,0 % (Phụ lục 9.8). Dùng 1 g dược liệu.

Tạp chất

Không được quá 1 % (Phụ lục 12.11).

Chất chiết được trong dược liệu

Không được ít hơn 10,0 % tính theo dược liệu khô kiệt.
Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10),  dùng nước làm dung môi.

Xem thêm: Khổ Hạnh Nhân (Semen Armeniacae amarum) – Dược Điển Việt Nam 5

Chế biến

Thu hái vào mùa hạ, mùa thu. Loại bỏ tạp chất, cắt đoạn,  phơi hoặc sấy khô.

Bào chế

Vị thuốc được sao tồn tính trước khi dùng để cầm máu.

Bảo quản

Để nơi khô ráo, thoáng mát.

Tính vị, quy kinh

Vị đắng, chát, tính ấm, vào các kinh tâm, phế, can, thận.

Công năng, chủ trị

Liễm huyết, chỉ huyết, thanh tràng chỉ tả, ích khí bổ trung.

Chủ trị: Ho ra máu, nôn ra máu, đại tiện ra máu, chảy máu cam, băng huyết. Ngoài ra còn dùng chữa viêm ruột, lỵ, sốt rét, tràng nhạc, ung thũng, chữa bệnh gan, mật, viêm miệng.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 12 g đến 20 g dược liệu khô, dạng thuốc sắc,  thuốc tán. Dùng riêng, hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Dùng ngoài: Lấy 40 g đến 80 g lá tươi giã nát, đắp, bó để cầm máu vết thương; hoặc dùng dạng cao lỏng, bôi vào chỗ mụn nhọt sưng đau, viêm múi trĩ, viêm tuyến vú

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *