Giải đáp các thắc mắc về các tác dụng cũng như nguy cơ gây hại của Corticoid

Nhóm thuốc Corticoid

Corticoid dùng như thế nào? Có ảnh hưởng gì đến sức khỏe?

Cân nhắc lợi ích – nguy cơ trước khi bắt đầu điều trị với Corticoid là nguyên tắc cơ bản đầu tiên mà bác sĩ phải áp dụng khi lựa chọn nhóm thuốc này trong bất kỳ một bệnh lý nào, nguyên nhân là do đi kèm với rất nhiều tác dụng trong điều trị lại là những tác hại không thể xem thường.

Mời bạn đọc cùng tìm hiểu với chúng tôi về Corticoid qua bài viết sau đây!

1. Corticoid là gì?

Corticoid là một hormon có trong cơ thể do vỏ thượng thận tiết ra, nhằm đảm bảo duy trì nhiều hoạt động chức năng của cơ thể sống. Là một chất hóa học có cấu trúc nhân Steroid và hiện nay đã được nghiên cứu tổng hợp bên ngoài cơ thể.

Corticoid là một hormon có trong cơ thể

Corticoid là một hormon có trong cơ thể

1.1. Thành phần corticoid

– Corticoid tự nhiên: Là một hormon do lớp bó của vỏ thượng thận sản xuất ra.

– Corticoid tổng hợp: Thực hiện các phản ứng tổng hợp hóa dược để tạo ra các chất mới có tác dụng dược lý tương tự của corticoid tự nhiên.

1.2. Danh mục thuốc corticoid

– Corticoid được phân ra các nhóm dựa trên thời gian tác dụng:

+ Tác dụng ngắn: Hydrocortison (cortisol), cortison.

+ Tác dụng trung bình: Prednison, Prednisolon, Methylprednisolon, Triamcinolon.

+ Tác dụng dài: Dexamethason, Betamethason.

– Các dạng thuốc Corticoid có trên thị trường:

+ Thuốc Corticoid dạng hít.

+ Thuốc Corticoid dạng bôi ngoài da.

+ Thuốc Corticoid tác dụng toàn thân.

2. Vai trò của corticoid

2.1. Vai trò của Corticoid với cơ thể

Ở nồng độ sinh lý, các chất này cần cho cân bằng nội môi, tăng sức chống đỡ của cơ thể với stress và duy trì các chức năng khác của cơ thể.

– Trên chuyển hóa

+ Chuyển hóa Glucid (đường): Corticoid làm tăng tạo glycogen ở gan, kích thích enzym gan tăng tạo glucose từ protein và axit amin. Tăng tổng hợp glucagon, giảm tổng hợp Insulin và đối kháng với tác dụng của Insulin, vì vậy làm tăng đường huyết.

+ Chuyển hóa Protid (đạm): Corticoid ức chế tổng hợp protid, thúc đẩy quá trình dị hóa protid để chuyển axit amin từ cơ, xương vào gan nhằm tân tạo glucose.

+ Chuyển hóa Lipid (mỡ): Làm thay đổi phân bố lipid trong cơ thể, tăng tổng hợp mỡ ở thân, giảm tổng hợp mỡ ở chi. Kích thích dị hóa lipid trong các mô mỡ và làm tăng tác dụng của các chất tiêu mỡ khác (chủ yếu phần chi).

+ Chuyển hóa muối nước: Corticoid làm tăng thải Kali qua nước tiểu làm giảm nồng độ K+ trong máu. Cùng với đó làm tăng thải Canxi qua thận, giảm tái hấp thu Canxi ở ruột làm nồng độ Canxi trong máu giảm, cơ thể sẽ điều hòa nồng độ Canxi bằng việc kích thích các hủy cốt bào, làm tiêu xương để rút Canxi ra.

– Tác dụng trên các cơ quan và tuyến:

+ Trên thần kinh trung ương: Thuốc gây kích thích như bồn chồn, mất ngủ, ảo giác hoặc các rối loạn về tâm thần khác.

+ Tiêu hóa: Tăng tiết dịch vị dạ dày, giảm sản xuất chất nhầy (chất bảo vệ).

+ Trên máu: Làm giảm bạch cầu ưa axit, giảm số lượng tế bào lympho, tế bào mono và tế bào ưa base. Nhưng tăng tạo hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu trung tính và tăng quá trình đông máu.

+ Tổ chức hạt: Ức chế tái tạo tổ chức hạt và nguyên bào sợi.

Vai trò của Corticoid với cơ thể

Vai trò của Corticoid với cơ thể

2.2. Corticoid là thuốc điều trị bệnh gì?

Corticoid là nhóm thuốc được lạm dụng nhiều nhất hiện nay, bởi những tính năng của nó. Có thể nói công dụng của nhóm thuốc này là vô cùng đa dạng.

– Tác dụng chống viêm, giảm đau: Thuốc có tác dụng chống viêm do mọi nguyên nhân (cơ học, hóa học, miễn dịch và nhiễm khuẩn).

– Tác dụng chống dị ứng: Corticoid ức chế phospholipase C, do đó làm giảm giải phóng histamin và các chất trung gian hóa học gây dị ứng. Vì vậy thuốc có tác dụng chống dị ứng.

– Tác dụng ức chế miễn dịch: Corticoid làm giảm số lượng tế bào lympho, ức chế chức năng thực bào, ức chế sản xuất kháng thể, ức chế giải phóng và tác dụng của các enzym tiểu thể, ức chế hóa hướng động bạch cầu, ức chế sự di chuyển của bạch cầu.

Với 3 tác dụng chính trên, Corticoid đã được sử dụng trên rất nhiều bệnh lý:

– Bệnh dị ứng và hô hấp:

+ Cơn hen từ trung bình đến nặng.

+ Đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

+ Viêm mũi dị ứng, polyp mũi.

+ Mề đay, phù mạch, sốc phản vệ.

+ Viêm da dị ứng.

+ Viêm phổi quá mẫn.

+ Dị ứng thuốc và thực phẩm.

+ Khớp, miễn dịch.

+ Viêm khớp dạng thấp.

+ Lupus ban đỏ hệ thống.

+ Viêm nút quanh động mạch.

+ Viêm đa cơ, viêm da.

– Nhãn khoa: Viêm màng bồ đào, viêm giác mạc, viêm kết mạc.

– Da liễu:

+ Bệnh bọng nước tự miễn Pemphigus vulgaris.

+ Viêm da tiếp xúc cấp, nặng.

– Nội tiết: Suy thượng thận, tăng sản thượng thận bẩm sinh.

– Huyết học:

+ Ung thư bạch huyết.

+ Thiếu máu tan máu.

+ Xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát.

– Bệnh tiêu hóa:

+ Viêm loét dạ dày.

+ Bệnh Crohn.

+ Viêm gan tự miễn.

– Khác:

+ Đa xơ cứng.

+ Cấy ghép cơ quan.

+ Hội chứng thận hư.

Thuốc Corticoid điều trị bệnh gì?

Thuốc Corticoid điều trị bệnh gì?

3. Tác hại gì khi sử dụng Corticoid?

Corticoid có hiệu quả trong điều trị nhiều bệnh lý của cơ thể. Tuy nhiên, khi dùng liều cao kéo dài có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Tác dụng không mong muốn của thuốc (ADR) trong điều trị bệnh lý:

– Trên chuyển hóa do dùng thuốc lâu ngày:

+ Gây ra hội chứng Cushing (hội chứng mặt trăng tròn): Khi dùng lâu ngày, mỡ sẽ tập trung trên mặt, nửa thân trên, làm cho to ra nhưng các chi lại teo nhỏ lại, gây mất cân đối cơ thể.

+ Tăng axit béo tự do trong huyết tương và tăng tạo các cetonic trong cơ thể.

+ Trên cơ xương: Gây teo cơ, xốp xương, tổ chức liên kết kém bền vững. Đối với người già sẽ gây loãng xương, còn đối với trẻ em sẽ gây ức chế tăng trưởng.

+ Gây đái tháo đường và làm nặng thêm tình trạng đái tháo đường.

+ Làm chậm lên sẹo và chậm lành vết thương.

Hội chứng cushing do dùng Corticoid lâu ngày

Hội chứng cushing do dùng Corticoid lâu ngày

– Do tự ý ngừng sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ: Ức chế trục HPA (trục dưới đồi – tuyến yên – thượng thận) có vai trò quan trọng trong điều hòa hormon của cơ thể.

– Do cơ chế chống viêm và ức chế miễn dịch, bệnh nhân sử dụng Corticoid có nguy cơ tăng khả năng nhiễm khuẩn, nhiễm nấm.

– Tương tác với các thuốc nhóm NSAIDs gây loét dạ dày.

Do sử dụng các sản phẩm chứa Corticoid mà trong thành phần không được công bố:

– Da bị nhiễm corticoid do mỹ phẩm.

– Da bị nhiễm Corticoid do các bôi các thuốc không rõ nguồn gốc:

+ Trẻ em đặc biệt là trẻ sơ sinh là đối tượng dễ gặp nhất trong trường hợp này với các bệnh lý về da như viêm da cơ địa. Đây là bệnh lý tự miễn, không thể chữa dứt điểm mà thường hay tái phát mỗi khi cơ thể trẻ tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên.

+ Đặc điểm chung là các bài thuốc này là hiệu quả rất nhanh, da gần như nhẵn mịn, cải thiện ngay sau vài đợt bôi thuốc nên tiếng lành đồn xa, mọi người truyền tai nhau mà thành bài thuốc quý.

Mỹ phẩm chứa Corticoid gây độc cho da

Mỹ phẩm chứa Corticoid gây độc cho da

– Dấu hiệu da bị nhiễm Corticoid:

+ Cấp độ 1: Là cấp độ nhẹ nhất do thời gian sử dụng ngắn và nồng độ thấp. Dấu hiệu nhận biết là da bị khô, bong tróc, có ngứa nhẹ vùng bôi thuốc.

+ Cấp độ 2: Da bị nhiễm độc và bắt đầu bị hoại tử, những bong bóng nhỏ như bỏng nổi lên và lan ra khắp mặt. Khi vỡ sẽ đau nhức, có nguy cơ bị nhiễm trùng da nếu không điều trị kịp thời.

+ Cấp độ 3: Do tăng giữ nước ở da nên da bị căng tức, phù nề. Mới đầu có thể nghĩ đó là tác dụng làm căng và săn da của các mỹ phẩm. Da có cảm giác nóng rát, luôn đỏ rực, đặc biệt là khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh và nhiệt độ.

+ Cấp độ 4: Da chuyển qua giai đoạn viêm, da sẽ có các hiện tượng bóng nhờn (do tăng tiết nhờn), có mụn sưng to và luôn cảm thấy nóng rát da, nặng hơn là cảm giác khó chịu như châm chích.

+ Cấp độ 5: Đây là giai đoạn nặng nhất của da bị nhiễm Corticoid (viêm da kích thích). Da đau nhức, nóng bỏng rát ngay cả khi không chạm vào. Da bị khô dần và thành các mảng đóng vảy trên bề mặt da, cảm giác rất khó chịu. Đặc biệt có thế có dấu hiệu của nhiễm trùng và hoại tử.

Da bị nhiễm độc do Corticoid

Da bị nhiễm độc do Corticoid

Giải độc corticoid:

– Tuyệt đối không tự ý ngừng các sản phẩm chứa Corticoid đang sử dụng vì sẽ làm tăng nguy cơ suy vỏ thượng thận do phải làm việc quá mức để bù lại lượng Corticoid mà lâu nay đang được cung cấp từ bên ngoài.

– Phải làm các kiểm tra để đánh giá mức độ suy của trục HPA, từ đó mới có chế độ liều phù hợp để ngừng sử dụng corticoid cho bệnh nhân.

4. Lưu ý khi sử dụng các thuốc có chứa corticoid

– Cách dùng thuốc như thế nào cho có hiệu quả? Để tránh nguy cơ suy vỏ thượng thận, Corticoid được khuyến cáo là uống vào 8 giờ sáng để cùng với nhịp tiết sinh học Corticoid nội sinh của cơ thể.

– Với thuốc dạng uống: Nên uống cùng bữa ăn để tránh kích ứng dạ dày. Không nên dùng thuốc dài ngày.

Thuốc corticoid bôi ngoài da

Thuốc corticoid bôi ngoài da

– Với thuốc mỡ bôi ngoài da:

+ Chỉ dùng lượng vừa đủ theo khuyến cáo của bác sĩ, không bôi quá nhiều, lạm dụng thuốc dẫn đến thuốc hấp thu nhiều vào tuần hoàn máu gây đáp ứng toàn thân và xuất hiện nhiều tác dụng phụ.

+ Tránh bôi vào vùng da mỏng (ví dụ như da ở mí mắt), vết thương hở, vùng da thường bị cọ xát (khuỷu tay).

+ Tuyệt đối không được dừng thuốc đột ngột.

Corticoid được giới y khoa ví như là một người lắm tài nhiều tật, bởi lẽ công dụng mà nó đem lại thực sự và vô cùng quan trọng trong các phác đồ điều trị bệnh lý, và tất nhiên thì công dụng nhiều thì tác hại đi kèm cũng chẳng thể kém, nhưng sẽ là an toàn nếu chúng ta có kiến thức và tuân thủ các nguyên tắc điều trị.

Điều đáng lo ngại hiện nay là công dụng của nhóm thuốc này đã được “nhà bào chế giả” tự “sáng tạo” mở rộng thêm rất nhiều. Từ đó mà những tác hại đi kèm với nhóm thuốc này cũng trở nên hết sức đa dạng không lường trước được.

Vì vậy hãy hết sức chú ý, thận trọng khi lựa chọn các thuốc chứa Corticoid hay sản phẩm dễ có nguy cơ bị trộn lẫn thuốc Corticoid.

Ngày viết:
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *