Viêm họng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

hình ảnh viêm họng

Hình ảnh viêm họng

Viêm họng rất dễ gặp phải ở bất kỳ lứa tuổi nào. Bệnh thường xuất hiện khi thời tiết giao mùa, chuyển lạnh. Nó tuy không nguy hiểm nhưng nếu không điều trị đúng cách có thể tiến triển thành bệnh mãn tính. Vậy nguyên nhân của bệnh là gì? Phân loại viêm họng? Triệu chứng và cách điều trị. Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu chi tiết những vấn đề này qua bài viết sau.

I. Viêm họng là gì?

Viêm họng là tình trạng niêm mạc hầu họng bị sưng viêm, gây đau đớn, khó chịu và vướng khi nhai nuốt. Hầu hết các trường hợp viêm họng là do virus gây ra. Bệnh có thể do các nguyên nhân khác như vi khuẩn, dị ứng hoặc các yếu tố kích thích khác. Trong đó, viêm họng do vi khuẩn là nguy hiểm nhất, dễ phát sinh các biến chứng nếu không được điều trị kịp thời.

Những đối tượng cao có nguy cơ bị viêm họng là những người có hệ miễn dịch yếu hoặc suy giảm như trẻ em, người cao tuổi. Đặc biệt trẻ sơ sinh có thể bị viêm họng rất nhiều lần trong một năm.

Viêm họng thường phát triển qua 2 giai đoạn chính: Cấp tính và mạn tính. Viêm họng bao lâu thì khỏi? Phần lớn các trường hợp sẽ thuyên giảm và khỏi sau 7 – 10 ngày sử dụng thuốc và nghỉ ngơi hợp lý. Tuy nhiên, thống kê cho thấy khoảng 20% trường hợp tiến triển thành mạn tính, gây ảnh hưởng tới chức năng hô hấp và chất lượng cuộc sống của người bệnh. 

II. Nguyên nhân dẫn đến viêm họng

Có nhiều nguyên nhân gây viêm họng, sau đây là những lý do thường gặp nhất:

1. Virus, vi khuẩn gây bệnh

Virus là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến viêm họng. Một số loại virus gây nhiễm trùng hầu họng thường gặp có thể kể đến Adenovirus, virus quai bị, virus thủy đậu, virus cúm A, cúm B, virus sởi, virus ho gà, Epstein-Barr virus, Herpes simplex virus,…

Virus xâm nhập vào hầu họng do tiếp xúc với nước bọt và dịch đờm của người mắc bệnh. Hoặc có thể phát sinh thứ phát sau khi mắc các bệnh như cúm, cảm lạnh, ho gà, quai bị,… 

Những virus này gây lở loét trong cổ họng và cũng có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không có phương pháp xử trí kịp thời.

virus gây viêm họng

80% nguyên nhân viêm họng là do virus gây ra

Vi khuẩn ít khi gây ra viêm họng nhưng nguyên nhân này khiến bệnh nghiêm trọng hơn, tiến triển phức tạp và dễ phát sinh những biến chứng nặng nề. Theo thống kê, liên cầu khuẩn nhóm A (Staphylococcus pyogenes) là vi khuẩn chủ yếu gây nhiễm khuẩn ở hầu họng. Ngoài ra, bệnh cũng có thể xảy ra do các vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae), Chlamydia, lậu cầu,…

Viêm họng do virus là lý do tại sao viêm họng có nguy cơ lây lan cho người khác.

2. Sử dụng các chất kích thích

Chất kích thích không chỉ làm tổn thương tới các cơ quan, nội tạng của cơ thể mà còn ảnh hưởng xấu tới cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Rượu, bia, thuốc lá và các thức uống chứa cồn khác sẽ gây hại cho gan, đặc biệt là khói thuốc lá tương lai xa có thể dẫn đến ung thư phổi, tương lai gần gây bệnh viêm họng.

Cổ họng là vị trí nhạy cảm, khi dùng quá nhiều thuốc lá, rượu bia sẽ dễ dẫn đến viêm họng. Khói thuốc không chỉ ảnh hưởng tới chức năng hô hấp mà còn kích thích hầu họng và Amidan, gây ra tình trạng đau rát, khó chịu.

khói thuốc gây kích thích hầu họng

Khói thuốc kích thích hầu họng, gây tình trạng đau rát, khó chịu ở cổ họng

3. Thay đổi môi trường

Viêm họng thường hay xảy đến ở thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột. Khi nhiệt độ môi trường đột ngột thay đổi từ nóng sang lạnh hoặc lạnh sang nóng sẽ làm cơ thể không kịp thích ứng. Hoặc khi nằm trong phòng kín với nhiệt độ điều hòa để quá thấp cũng khiến cổ họng bị tổn thương, dễ dẫn đến viêm họng.

4. Đồ ăn chiên nướng, đồ ăn cay

Đồ ăn chiên nướng thường rất khô và cứng, khi nuốt chúng vẫn còn những cạnh sắc cứa vào cổ họng gây đau rát, tổn thương cổ họng. Do đó, nên hạn chế ăn đồ chiên nướng.

Bên cạnh đó, ăn cay nhiều cũng dễ gây kích ứng, rát đỏ cổ họng. Tùy theo thể trạng của từng người, có người rát nhiều, rát ít, có người không rát. Nhìn chung, các món ăn này sẽ làm nặng thêm về phần cảm giác.

5. Nguyên nhân khác

– Viêm họng do dị ứng: Dị ứng thời tiết, lông chó mèo, phấn hoa,… sẽ gây kích thích hệ thống miễn dịch giải phóng Histamin vào mô hầu họng, dẫn đến viêm và sưng đau. Viêm họng do dị ứng thường ở mức độ nhẹ và chỉ gây triệu chứng tại chỗ, có thể kèm theo viêm xoang hoặc viêm kết mạc dị ứng.

– Trào ngược dạ dày – thực quản: Trào ngược dạ dày – thực quản là tình trạng acid từ dịch vị trào ngược lên thực quản, cổ họng. Nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài, acid từ dịch vị sẽ gây phá hủy lớp niêm mạc, dẫn đến hiện tượng nóng rát, đau nhức.

trào ngược dạ dày thực quản gây viêm họng

Trào ngược dạ dày – thực quản là một trong các nguyên nhân gây viêm họng

– La hét, nói chuyện to trong thời gian dài: Hoạt động này sẽ kích thích mô thanh quản và hầu họng, khiến cổ họng bị đau rát, dễ gây ra viêm họng.

– Người bị nhiễm HIV: Khi một người bị nhiễm HIV, hệ thống miễn dịch của người đó đã bị suy yếu. Các loại virus, vi khuẩn từ môi trường sẽ dễ tấn công, xâm nhập và khiến người đó bị nhiễm bệnh.

– Mắc các bệnh lý về đường hô hấp như viêm xoang, viêm mũi dị ứng, viêm tai giữa,… Các bệnh lý này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để viêm họng bùng phát.

III. Triệu chứng viêm họng thế nào?

Khi bị viêm họng người bệnh sẽ thấy đau rát nhẹ vùng cổ họng. Đôi khi sẽ đi kèm ho rất khó chịu. Tuy nhiên, nó không phải là dấu hiệu điển hình mà có thể là triệu chứng của cảm sốt thông thường nên rất khó phân biệt. Để chẩn đoán chính xác có phải bị viêm họng hay không, bạn nên lưu ý đến những điểm có liên quan sau:

1. Niêm mạc bị viêm

Niêm mạc bị sưng đỏ là dấu hiệu đầu tiên để nhận biết viêm họng. Phần niêm mạc đỏ tươi là do bị xung huyết. Tại vị trí đó sẽ xuất hiện những mụn nước nhỏ. Nếu tình trạng nghiêm trọng hơn có thể có cả mủ bao phủ phía trên. Phần dưới cổ khi sờ vào sẽ thấy đau, nổi hạch do vi khuẩn tấn công tạo nên.

viêm họng gây niêm mạc sưng đỏ

Niêm mạc bị sưng đỏ là dấu hiệu đầu tiên nhận biết viêm họng

2. Cổ họng bị sưng

Người bệnh sẽ luôn cảm thấy đau cổ họng. Mọi hoạt động thường ngày như nhai, nuốt, ăn hay nói chuyện sẽ đều bị cản trở, thậm chí khi nuốt thức ăn có thể gây buồn nôn. Điều này khiến cho người bệnh cảm thấy cổ họng luôn đau rát. Ngoài ra, khi bị viêm họng, cổ họng sẽ thường xuyên khó chịu, gây ho.

3. Xuất hiện cảm, sốt

Với những người bị viêm họng nặng có thể xuất hiện triệu chứng sốt, đau đầu hay chóng mặt. Ngoài ra, người bệnh còn có những triệu chứng khác như sốt, ù tai. Những triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với sốt virus. Các triệu chứng này có thể tự biến mất sau một khoảng thời gian, tuy nhiên, nếu tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, cần phải có sự can thiệp của y khoa.

Xem thêm: Những điều cần biết về sốt viêm họng

viêm họng gây sốt

Viêm họng nặng có thể dẫn đến sốt, đau đầu, chóng mặt

4. Những triệu chứng bất thường khác

Khi bị viêm họng, lượng dịch tiết ra cũng thay đổi bất thường. Ban đầu, khi mới bị đau họng, dịch tiết ra màu trắng với số lượng ít. Nếu có nhiễm khuẩn kèm theo thì chất dịch sẽ chuyển sang màu trắng đục, nhầy. Chúng bám chặt vào cổ họng vừa gây ngứa vừa cản trở khi nói chuyện. Trong một số trường hợp, người bệnh sẽ mất đi giọng nói tạm thời. Ngoài ra, triệu chứng giống như buồn nôn cũng thường gặp phải. Điều này xuất hiện do vị trí viêm trở nên mẫn cảm hơn so với lúc bình thường.

IV. Phương pháp điều trị bệnh viêm họng

Viêm họng là bệnh phổ biến thông thường có thể sử dụng một số thuốc được bác sĩ chỉ định như:

Sử dụng thuốc

– Kháng sinh: amoxicillin, cephalexin, erythromycin…

– Thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm như paracetamol, aspirin… Người bệnh chỉ sử dụng để hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể trên 38,5 độ.

– Thuốc ho như codein, thuốc ngậm hoặc siro…

– Thuốc long đờm như acetycystein…

Xem thêm: Uống thuốc gì để trị viêm họng?

Mẹo dân gian chữa viêm họng hiệu quả

Bài thuốc dân gian để chữa viêm họng cũng được mọi người sử dụng và giúp cải thiện tốt. Chúng bao gồm:

– Mật ong.

– Tỏi.

– Gừng tươi.

– Quất hấp đường phèn…

Xem thêm: 10+ Mẹo chữa viêm họng tại nhà nhanh chóng, đơn giản

Bên cạnh điều trị bằng thuốc hay các bài thuốc dân gian, để bệnh nhanh khỏi nên kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bổ sung nhiều thực phẩm giàu vitamin C, Kẽm, rau xanh… Hạn chế đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn lạnh…

IV. Biến chứng của viêm họng? Khi nào cần đến cơ sở y tế?

“Viêm họng để lâu có sao không?” thường là thắc mắc của nhiều người bởi tính dai dẳng của bệnh. Đối với viêm họng do dị ứng, thay đổi của môi trường hay thói quen sống thường sẽ tự khỏi trong thời gian ngắn. Nhưng đối với các trường hợp nguyên nhân xuất phát từ vi khuẩn hoặc những thay đổi từ bên trong cơ thể cần thăm khám bác sĩ sớm để có cách giải quyết triệt để. Nếu để lâu, viêm họng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng sau:

– Viêm họng cấp: Biểu hiện qua tình trạng nhiễm khuẩn cấp, sốt cao, co giật có thể dẫn đến tử vong.

Viêm họng mãn tính: Các đợt cấp tái phát nhiều lần dẫn đến viêm họng mãn tính. Việc điều trị lúc này sẽ trở lên khó khăn và lâu hơn. Một trong loại viêm họng mãn tính mà chúng ta cần chú ý là viêm họng hạt, có thể cần phải tiến hành đốt hạt gây tốn kém mà hiệu quả cũng không phải 100%.

Ung thư vòm họng: Đây là loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất do viêm họng dai dẳng trong nhiều năm mà không điều trị dứt điểm. Nếu nguy hiểm có thể cần phải phẫu thuật.

– Bệnh lý ở tim và thận: Các chủng vi khuẩn gây viêm họng nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng tới chức năng của gan, thận không hồi phục, nghiêm trọng hơn là dẫn đến tử vong.

– Tổn thương đa vị trí đến phổi, phế quản, mũi, xoang,…

– Đặc biệt ở bà bầu bị viêm họng, việc bị bệnh kéo dài có thể gây thiếu oxy máu ở thai nhi và khiến tăng khả năng sinh non.

Chính vì vậy, nếu sau khi điều trị bằng thuốc mà bệnh không khỏi cần đến cơ sở y tế để hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

biến chứng của viêm họng

Nếu không điều trị dứt điểm, viêm họng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm khó lường

V. Lây truyền viêm họng như thế nào?

Nhiều người thắc mắc không biết viêm họng có lây không? Để hiểu vẫn đề này bạn cần hiểu rõ những thông tin dưới đây:

1. Viêm họng có lây không?

Viêm họng có khả năng lây nhiễm hay không dựa theo các nguyên nhân gây bệnh.

– Nếu viêm họng là một trong các triệu chứng của các bệnh lý cảm cúm, cảm lạnh, dị ứng,… thì ở trường hợp này, viêm họng không có khả năng lây nhiễm.

– Nếu viêm họng do các tác nhân virus, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, tấn công vào niêm mạc hầu họng gây ho, sốt, sổ mũi,… thì lúc này các tác nhân hoàn toàn có khả năng phát tán khiến người thường mắc phải bệnh.

2. Viêm họng lây qua đường nào?

Viêm họng có thể lây qua 2 con đường là trực tiếp và gián tiếp.

– Viêm họng lây khi tiếp xúc trực tiếp:

Viêm họng có thể lây lan từ người bệnh sang người lành qua dịch nước bọt hoặc dịch nhầy tiết ra. Khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, sẽ bắn ra những giọt nước nhỏ mang vi khuẩn lan truyền trong không khí, vi khuẩn sẽ lây từ người này sang người khác. Nếu không gian càng nhỏ, ở khoảng cách tiếp xúc gần thì bệnh càng dễ lây. Với những người hệ miễn dịch kém như người già, trẻ em, người suy giảm miễn dịch,… thì khả năng lây bệnh cực kỳ cao.

cách lây lan viêm họng

Viêm họng có khả năng lây lan khi người bệnh ho, hắt hơi

– Viêm họng qua tiếp xúc gián tiếp:

Sử dụng chung vật dụng cá nhân với người đang bị viêm họng như bát, cốc, khăn tắm,… có khả năng nhiễm bệnh vì các vi khuẩn gây bệnh sau khi phát tán ra ngoài sẽ bám trên bề mặt các đồ vật này.

VI. Cách phòng bệnh hiệu quả như thế nào?

– Để phòng bệnh hiệu quả cần hạn chế tiếp xúc với khói bụi, bia rượu và thuốc lá. Ngoài ra cần nâng cao sức đề kháng bằng cách xây dựng một chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng hợp lý và khoa học.

– Vệ sinh răng miệng sạch sẽ giúp phòng tránh hiệu quả các bệnh đường miệng. Bên cạnh đó cũng cần bảo vệ cổ họng bằng cách đeo khẩu trang, sử dụng đồ bảo hộ lao động khi làm việc ở môi trường có nhiều khói bụi.

– Tránh tiếp xúc với những người đang bị viêm họng. Khi ra bên ngoài cần đeo khẩu trang để phòng ngừa tối đa khả năng lây nhiễm.

– Rửa tay, sát khuẩn thường xuyên với xà phòng, dung dịch sát khuẩn.

– Hạn chế chạm tay vào mắt, mũi, miệng.

– Tránh dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng,…

– Uống nhiều nước.

– Thường xuyên vệ sinh bề mặt điện thoại, điều khiển tivi, bàn phím máy tính,… bằng nước sát trùng.

phòng ngừa viêm họng

Vệ sinh thường xuyên bề mặt điện thoại để ngăn chặn virus

Viêm họng là bệnh lý thường gặp phải ở mọi lứa tuổi, do đó, trang bị kiến thức đầy đủ về viêm họng là điều cần thiết. Mong rằng với nội dung này có thể giúp ích cho bạn, giải đáp được các câu hỏi về nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị, phòng bệnh viêm họng.

Các bài viết của Dược Điển Việt Nam chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị.

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *