QUI GIÁP VÀ QUI BẢN

0
3091

QUI GIÁP VÀ QUI BẢN
Carapax et Plastrum Testudinis
Mai rùa và yếm rùa

Mai và yếm đã phơi khô của con Rùa đen (Ô quy) (Chinemỵs reveesii Gray), họ Rùa (Emydidae).

Mô tả

Mai và yếm rùa liền nhau nhờ các cầu xương. Mai hơi dài hơn yếm.
Mai có hình bầu dục hẹp, khum khum, dài 7,5 cm đến 22 cm, rộng 6 cm đến 18 cm, phần phía trước hơi hẹp hơn phía sau, mặt ngoài màu nâu hoặc màu nâu đen, đầu phía trước có 1 khối sừng cổ, giữa sống lưng có 5 khối sừng đốt. Ở 2 bên mai có 4 khối sừng sườn, đối nhau, cạnh mỗi bên lại có 11 khối sừng rìa. Phần đuôi có 2 khối sừng mông (đồn giáp).
Yếm rùa có dạng phiến (tấm) gần như hình bầu dục, hình chùy viên, hình chữ nhật dài, rộng 5,5 cm đến 17 cm, dài 6,4 cm đến 21 cm, mặt ngoài yếm màu nâu vàng nhạt đến nâu có 12 tấm khối sừng, mỗi tấm có vân dạng tia xạ, màu nâu tía. Mặt trong màu trắng vàng đến màu trắng tro, có vết máu hoặc thịt còn sót lại. Sau khi cạo, làm sạch, có thể thấy ở phía trong có 9 khối xương dẹt (9 bản), mép nổi các tấm có răng cưa khớp vào nhau. Phía đầu hình tròn tù hoặc bàng, phía đuôi có 1 khía hình tam giác, 2 cạnh đều, có dạng cánh, cong chếch lên ở 2 bên. Chất cứng, rắn, có mùi hơi tanh, vị hơi mặn.

Chế biến

Thu bắt quanh năm, nhưng thường vào mùa thu và mùa đông. Sau khi bắt được rùa, giết, bóc lấy mai và yếm, loại bỏ thịt còn sót lại, phơi khô (gọi là huyết bản). Hoặc sau khi bắt được rùa, luộc qua rồi bóc lấy mai và yếm, cạo sạch thịt còn sót lại, phơi khô (thang bản).
Huyết bản bóng láng, không bóc da, có khi còn vết máu. Thang bản màu thẫm hơn, có vết da bị lóc, mặt trong màu trắng tro, hoặc màu vàng nhạt, không bóng.

Bào chế

Quy giáp và quy bản: Lấy mai rùa và yếm rùa, đồ 45 min, lấy ra để trong nước nóng, cạo sạch ngay thịt da còn sót lại, rửa sạch, phơi khô.
Quy giáp và quy bản chế dấm: Cho cát sạch vào nồi, sao to lửa cho khô, cho Quy giáp và Quy bản vào, sao đến khi mặt ngoài hơi vàng, lấy ra, loại bỏ cát, ngâm qua dấm, phơi khô. Khi dùng giã vụn (10 kg Quy giáp và Qui bản dùng 2 L dấm).

Bảo quản

Để nơi khô, tránh mọt.

Tính vị, quy kinh

Hàm, cam, vi hàn. Vào các kinh can, thận, tâm.

Công năng, chủ trị

Tư âm tiềm dương, ích thận cường cốt, dưỡng huyết bổ tâm. Chủ trị: Âm hư trào nhiệt, cốt chưng, đạo hàn (mồ hôi trộm), chóng mặt, hoa mắt, hư phong nội động, thắt lưng chân teo yếu, trẻ chậm liền thóp, nữ băng lậu đới hạ.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng từ 9 g đến 24 g, sắc nước các vị thuốc khác. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ

Người bệnh hư nhược mà không có hỏa, người hư hàn, ỉa lỏng không được dùng. Phụ nữ có thai dùng phải thận trọng.

5/5 - (1 bình chọn)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây