Thoái hóa khớp – Căn nguyên chính dẫn đến tàn phế? Đừng chủ quan

Thoái hóa khớp ảnh hưởng hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh

Thoái hóa khớp ảnh hưởng hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh

Thoái hóa khớp (thoái hóa khớp phì đại) là một bệnh lý thường gặp sau tuổi 38. Đây là một căn bệnh có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Hãy cùng Dược Điển Việt Nam tìm hiểu kỹ hơn về triệu chứng, nguyên nhân, cách chẩn đoán, điều trị thoái hóa khớp qua bài viết dưới đây.

1. Thoái hóa khớp là gì?

Thoái hóa khớp là bệnh lý về xương khớp rất phổ biến hiện nay, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Theo thống kê, khoảng 20% dân số thế giới mắc bệnh thoái hóa khớp. Và đáng chú ý hơn, ở Việt Nam có khoảng 23,3% người độ tuổi trên 40 mắc bệnh.

Thoái hóa khớp xảy ra khi sụn bảo vệ đệm các đầu xương bị mòn dần theo thời gian, xuất hiện nhiều ở các đối tượng sau tuổi 38 và đang trẻ hóa theo thời gian.

Bình thường, cấu trúc xương dưới sụn ổn định, sụn khớp nguyên vẹn, trơn láng. Khi bị thoái hóa, sụn khớp và xương dưới sụn bị tổn thương dẫn đến lộ xương dưới sụn, kèm theo chứng viêm, dịch khớp giảm.

Khi bị thoái hóa khớp, lớp sụn và xương dưới sụn bị mài mòn dần

Khi bị thoái hóa khớp, lớp sụn và xương dưới sụn bị mài mòn dần

Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào, thường gặp ở các vị trí như:

Thoái hóa khớp vai, thoái hóa khớp gối, thoái hóa khớp háng.

– Khớp bàn tay, ngón tay, khớp hông.

Cột sống và đốt sống thắt lưng.

– Khớp liên mấu trong thoái hóa cột sống cổ.

2. Triệu chứng thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp thường phát triển chậm và nặng hơn theo thời gian, bao gồm các dấu hiệu:

– Đau đớn trong hoặc sau khi vận động.

– Cứng khớp có thể dễ nhận thấy nhất khi thức dậy hoặc sau khi không hoạt động. Đây là một dấu hiệu khá điển hình để nhận biết thoái hóa khớp.

– Ấn nhẹ vào khớp hoặc các vị trí xung quanh của khớp bị thoái hóa cảm thấy mềm.

– Giảm linh hoạt: Người bệnh có thể không cử động được khớp của mình trong phạm vi chuyển động của nó so với khi bình thường.

Bệnh nhân thoái hóa khớp thường bị đau và khó khăn khi di chuyển

Bệnh nhân thoái hóa khớp thường bị đau và khó khăn khi di chuyển

– Có tiếng lạo xạo khớp khi di chuyển.

– Xuất hiện các gai xương và hốc xương dưới sụn xung quanh khớp bị thoái hóa.

– Sưng tấy, teo cơ và biến dạng: Khi bị thoái hóa khớp lâu dài, nếu không có biện pháp điều trị đúng cách, có thể gây ra các triệu chứng nguy hiểm như sưng tấy, biến dạng các khớp bị tổn thương, không vận động trong thời gian dài có thể gây teo cơ, đầu gối bị lệch khỏi trục.

3. Nguyên nhân gây thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp xảy ra khi sụn đệm các đầu xương trong khớp bị mòn dần. Nếu sụn bị mòn hoàn toàn, xương sẽ cọ xát vào xương.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp:

– Sinh hoạt sai tư thế: Tư thế ngồi, nằm, bê vác vật nặng sai có thể gây ra chấn thương khớp, làm chúng dễ trở nên yếu ớt và dễ bị tổn thương.

– Nghề nghiệp: Phải thường xuyên làm việc nặng nhọc cũng có thể gây tổn thương các khớp.

– Các bệnh lý như loãng xương, viêm khớp dạng thấp… cũng làm tăng nguy cơ xảy ra thoái hóa khớp

– Tuổi tác: Nguy cơ thoái hóa khớp tăng lên khi già đi. Tuổi càng cao, quá trình lão hóa càng nhanh chóng, các khớp xương cũng bị mài mòn và yếu dần. Do đó, những người ngoài độ tuổi 40 thường dễ xảy ra thoái hóa khớp. Tuy nhiên, căn bệnh này càng ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

– Béo phì: Thừa cân làm tăng áp lực lên các khớp, đặc biệt là những khớp chịu phần lớn trọng lượng cơ thể như đầu gối, hông.

– Phụ nữ: Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ thoái hóa khớp gặp nhiều ở phụ nữ hơn nam giới.

– Thoái hóa khớp có thể xảy ra do 1 số nguyên nhân khác như gen di truyền, dị tật bẩm sinh…

Với những người có nguy cơ cao nên định kỳ kiểm tra tại bệnh viện bởi các chuyên gia để phòng tránh cũng như điều trị đạt hiệu quả nhất.

các yếu tố làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp

Các yếu tố làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối

4. Các giai đoạn trong thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp thường trải qua gồm 4 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Các dấu hiệu chưa rõ ràng

Người bệnh thường không cảm thấy đau nhức, các triệu chứng chưa rõ ràng. Bệnh nhân vẫn đi lại bình thường, chỉ khi hoạt động quá nhiều, đứng lên ngồi xuống liên tục thì mới cảm thấy khớp gối hơi đau.

Chụp X-quang ở giai đoạn này chưa thấy được bất thường ở khớp.

Giai đoạn 2: Biểu hiện nhẹ

Các triệu chứng đau xuất hiện. Tuy nhiên, giai đoạn này, sụn khớp chưa bị tổn thương nặng, bao hoạt dịch vẫn hoạt động bình thường, bệnh ở mức độ nhẹ.

Ở giai đoạn này, khớp bị thoái hóa hình thành các gai xương nhỏ. Khi vận động, chúng chạm vào các mô trong khớp, gây ra cảm giác đau. Người bệnh cảm thấy cứng, đau nhức khi trời lạnh hoặc ngủ dậy.

Chụp X-quang khớp đầu gối sẽ thấy sụn khớp bắt đầu hao mòn đi, hình ảnh gai xương và khe khớp hẹp đi.

Giai đoạn 3: Tổn thương rõ nét

Tổn thương của sụn khớp đã bắt đầu phát triển, người bệnh đau và khó chịu khi đi bộ, chạy bộ, leo cầu thang…

Thoái hóa khớp nặng hơn, sụn khớp bị bào mòn và vỡ ra, xương phát triển dày lên ra bên ngoài. Các mô khớp bị viêm, tiết ra chất lỏng hoạt dịch, gây sưng.

X-quang cho hình ảnh khe khớp hẹp rõ, có nhiều gai xương kích thước vừa, sụn khớp bị bào mòn nhiều, xương dưới sụn bị biến dạng.

Các giai đoạn của thoái hóa khớp

Các giai đoạn của thoái hóa khớp

Giai đoạn 4: Biểu hiện nặng

Đây là giai đoạn nặng và nghiêm trọng nhất. Các triệu chứng bệnh xuất hiện rõ ràng. Người bệnh bị viêm, đau nhức, cứng khớp, di chuyển khó khăn.

X-quang cho hình ảnh khe khớp hẹp nhiều, các gai xương có kích thước lớn, các đầu xương khớp bị bào mòn hầu như hoàn toàn, chất nhầy xung quanh khớp bị giảm dần.

5. Phân loại thoái hóa khớp

Theo nguyên nhân bị thoái hóa khớp, có thể chia thành 2 loại:

– Thoái hóa khớp nguyên phát: Là nguyên nhân phổ biến, thường xuất hiện ở người trên 60 tuổi, có thể ở một hoặc nhiều khớp. Bệnh thường tiến triển chậm.

– Thoái hóa khớp thứ phát: Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, do chấn thương khiến trục khớp thay đổi, các bất thường bẩm sinh như khớp gối quay ra ngoài, rối loạn chuyển hóa, quay vào trong hoặc(như ứ sắt, bệnh wilson) hoặc sau các tổn thương viêm khác tại khớp như bệnh Gout, viêm khớp, thấp khớp…

6. Thoái hóa khớp có nguy hiểm không? Biến chứng?

Đây là một vấn đề được rất nhiều người quan tâm.

Thoái hóa khớp là một căn bệnh “hao mòn”. Nhưng bên cạnh sự phân hủy của sụn, thoái hóa khớp ảnh hưởng đến toàn bộ khớp, gây ra các tác hại nghiêm trọng như:

– Suy nhược cơ thể: Xương khớp bị đau nhức khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, khó chịu. Cơn đau về đêm còn gây mất ngủ, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và tâm lý người bệnh. Lâu dài gây suy nhược cơ thể.

– Khớp biến dạng: Các khớp bị tổn thương, gây ra những thay đổi trong xương và suy giảm các mô liên kết khiến khả năng vận động và di chuyển bị ảnh hưởng.

– Teo cơ, tàn phế: Các cơ quanh khớp bị tổn thương, bất động trong thời gian dài sẽ suy yếu, làm mất khả năng vận động.

Thoái hóa khớp có thể gây teo cơ, làm mất khả năng vận động

Thoái hóa khớp có thể gây teo cơ, làm mất khả năng vận động

7. Chẩn đoán thoái hóa khớp

Bác sĩ có thể nghi ngờ người bệnh bị thoái hóa khớp nếu có các triệu chứng sau:

1 – Người trên 38 tuổi.

2 – Hình ảnh X-quang cho thấy có gai xương ở rìa khớp.

3 – Cứng khớp dưới 30 phút.

4 – Dịch khớp là dịch thoái hóa.

5 – Dấu hiệu lục khục khi cử động.

Nếu xuất hiện các dấu hiệu 1,2,3,4 hoặc 2,4,5 hoặc 2,3,5 thì có thể xác định bệnh nhân bị thoái hóa khớp.

Các dấu hiệu khác có thể kể đến như tràn dịch khớp, khớp biến dạng…

Cần thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán thoái hóa khớp

Cần thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán thoái hóa khớp

Để xác định chính xác bệnh nhân bị thoái hóa khớp, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp chẩn đoán sau:

– X-quang: Gai xương quanh khớp, hẹp khe khớp.

– Siêu âm: Phát hiện các mảnh sụn bong vào trong ổ khớp.

– Cộng hưởng từ: Đánh giá các tổn thương sụn khớp, màng hoạt dịch, dây chằng.

– Nội soi khớp: Quan sát các tổn thương thoái hóa của sụn khớp, chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác.

Ngoài ra, cần làm các xét nghiệm khác như xét nghiệm máu và sinh hóa, dịch khớp.

Cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác dễ nhầm lẫn như viêm khớp, thấp khớp.

8. Điều trị thoái hóa khớp

Không thể hồi phục tổn thương khớp, đưa khớp trở về tình trạng ban đầu, tuy nhiên bằng cách kết hợp vận động, sử dụng liệu pháp điều trị hợp lý có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh và cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp, thoái hóa khớp.

8.1 Nguyên tắc điều trị

Cần chú ý 5 nguyên tắc trong điều trị thoái hóa khớp gối như sau:

– Giảm đau trong các cơn đau cấp.

– Phục hồi khả năng vận động của khớp.

– Ngăn ngừa, hạn chế các biến dạng khớp.

– Hạn chế các tác dụng phụ của thuốc, thận trọng với các tương tác thuốc và các bệnh kết hợp ở người cao tuổi.

– Nâng cao chất lượng sinh hoạt của người bệnh.

8.2 Thuốc điều trị

Khi có đau khớp, nên sử dụng thuốc làm giảm các triệu chứng đau, nhức. Tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bộ y tế. Các thuốc thường dùng có thể kể đến như:

+ Thuốc giảm đau Paracetamol: Dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ, không dùng quá liều có thể gây độc cho gan.

+ Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Nếu Paracetamol không có tác dụng cải thiện các triệu chứng, có thể dùng NSAID. Một số NSAID có sẵn dưới dạng kem bôi, có thể bôi trực tiếp lên các khớp bị ảnh hưởng, làm giảm sưng khớp. 

+ Corticosteroid: Một số trường hợp thoái hóa khớp phải tiêm Steroid nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Tiêm trực tiếp vào khu vực bị ảnh hưởng, giảm đau nhanh chóng và làm dịu cơn đau trong vài tuần hoặc vài tháng.

Các NSAIDs thường được sử dụng trong điều trị thoái hóa khớp

Các NSAIDs thường được sử dụng trong điều trị thoái hóa khớp

8.3 Phẫu thuật

+ Trong một số ít trường hợp, khi các phương pháp khác không hiệu quả hoặc khớp tổn thương nghiêm trọng, cần phẫu thuật điều trị. Có thể sử dụng các phương pháp mổ nội soi, cấy ghép tế bào sụn, thay khớp.

+ Phẫu thuật viêm có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng, khả năng vận động của người bệnh.

+ Tuy nhiên, phẫu thuật không thể đảm bảo loại bỏ hoàn toàn thoái hóa khớp. Căn bệnh này có thể tái phát trở lại.

+ Thay khớp: Còn gọi là phẫu thuật tạo hình khớp, người bệnh sẽ được loại bỏ khớp cũ và thay bằng khớp nhân tạo. Phẫu thuật này được thực hiện phổ biến nhất để thay thế khớp háng và khớp gối. Một khớp nhân tạo có thể sử dụng được 20 năm. Ngoài ra, có thể sử dụng biện pháp tái tạo bề mặt. Phương pháp này chỉ sử dụng các thành phần kim loại và phù hợp hơn cho những bệnh nhân nhỏ tuổi.

Có thể thay khớp nhân tạo cho bệnh nhân thoái hóa khớp

Có thể thay khớp nhân tạo cho bệnh nhân thoái hóa khớp

8.4 Phương pháp hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp

Nhiều người thắc mắc: Thoái hóa khớp liệu có điều trị được dứt điểm? Điều này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Một số phương pháp chính trong điều trị được áp dụng như sau:

Tập thể dục

+ Đây là phương pháp điều trị rất hiệu quả cho người bị thoái hóa khớp. Các bài tập thể dục nên bao gồm các động tác tăng cường cơ bắp và cải thiện thể lực chung.

+ Rất nhiều người cho rằng, tập thể dục khiến bệnh trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, thường xuyên vận động, giúp tăng cường sức mạnh cho các khớp và cải thiện các triệu chứng.

+ Chỉ nên rèn luyện phù hợp với khả năng chịu đựng của cơ thể, tránh quá sức hoặc tập sai cách làm bệnh nguy hiểm hơn. Có thể tập các bài thể dục nhẹ nhàng, Yoga…

Tập Yoga giúp tăng sự dẻo dai, linh hoạt cho các khớp

Tập Yoga giúp tăng sự dẻo dai, linh hoạt cho các khớp

Giảm cân

+ Béo phì khiến tình trạng thoái hóa khớp trở nên tồi tệ hơn. Hãy cố gắng giảm cân bằng cách luyện tập thể dục thể thao nhiều hơn và thiết lập một chế độ ăn uống phù hợp. Tham khảo: Giảm cân bằng yến mạch.

+ Giảm cân giúp cơ thể vận động linh hoạt hơn và giảm sức nặng lên các khớp, từ đó, làm chậm tiến triển bệnh.

Chế độ dinh dưỡng

Dinh dưỡng có vai trò vô cùng quan trọng giúp cải thiện tình trạng thoái hóa khớp. Hãy xây dựng cho bản thân một thực đơn lý tưởng để giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn.

Thiết bị hỗ trợ

+ Nếu bị thoái hóa khớp ở chi dưới như hông, đầu gối, bàn chân, người bệnh có thể sử dụng loại giày hoặc đế lót đặc biệt cho giày, làm giảm bớt áp lực ở chân khi đi bộ. Có thể sử dụng các thiết bị hỗ trợ đi bộ như gậy, nẹp.

+ Nếu bị thoái hóa khớp tay, có các thiết bị đặc biệt như máy xoay vòi giúp mở vòi nước, hỗ trợ người bệnh thực hiện các động tác tay dễ dàng hơn.

Vật lý trị liệu

+ Các phương pháp siêu âm, hồng ngoại, chườm nóng hoặc lạnh… rất hiệu quả trong việc làm chậm quá trình thoái hóa khớp, giúp giảm cơn đau và các triệu chứng của viêm xương khớp.

+ Xung điện: Có thể sử dụng một số phương pháp điều trị hỗ trợ giúp giảm đau và thực hiện các công việc hàng ngày dễ dàng như kích thích dây thần kinh điện qua da (TENS). Bác sĩ sẽ sử dụng máy truyền xung điện qua các miếng dính gắn vào da, gây tê các đầu dây thần kinh trong tủy sống kiểm soát cơn đau.

+ Vật lý trị liệu tác động vào các khớp, giúp tăng sự dẻo dai và linh hoạt.

Sử dụng các thực phẩm bổ trợ

+ Một số hoạt chất được sử dụng để điều trị viêm xương khớp, thoái hóa khớp như Chondroitin, Glucosamine.

+ Một số thực phẩm bổ sung dùng hỗ trợ điều trị như Orthomol arthroplus, Blackmores Glucosamine, Duo Vital

Tham khảo thêm: Khám phá Top 10 thuốc điều trị thoái hóa khớp tốt nhất UPDATE 2021

9. Phòng ngừa thoái hóa khớp thế nào cho thật hiệu quả?

Thoái hóa khớp không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và tiến triển bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.

– Tập thể dục:

+ Tránh các bài tập nặng cho khớp và khiến chúng phải chịu áp lực quá mức, như chạy, tập tạ. Thay vào đó, nên thử các bài tập như bơi lội và đạp xe.

+ Vận động tối thiểu 150 phút/tuần với các bài tập vừa phải.

+ Tập thể dục cũng giúp duy trì vóc dáng, làm giảm mỡ thừa, làm giảm áp lực lên các khớp, phòng ngừa thoái hóa.

– Điều chỉnh tư thế:

+ Làm việc, vận động đúng tư thế, tránh giữ nguyên một tư thế quá lâu.

+ Trường hợp là nhân viên văn phòng, công việc bắt buộc phải ngồi nhiều, cần đảm bảo tư thế ngồi làm việc đúng để tránh nguy cơ thoái hóa khớp.

Làm việc đúng tư thế để tránh nguy cơ thoái hóa khớp

Làm việc đúng tư thế để tránh nguy cơ thoái hóa khớp

– Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh:

+ Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cần cho cơ thể, đặc biệt là các dưỡng chất thiết yếu cho xương và sụn khớp.

+ Tăng cường các loại thực phẩm giàu Glucosamine, Chondroitin, Omega-3, vitamin,… nhằm tăng khả năng tái tạo tế bào, ngăn ngừa quá trình thoái hóa.

+ Hạn chế đồ uống có cồn, các chất kích thích, đồ chiên xào chứa nhiều chất béo bão hòa, thực phẩm giàu Axit oxalic…

– Thăm khám kịp thời để phát hiện bệnh sớm, giúp khả năng phục hồi tốt hơn.

Tham khảo thêm: 7 Điều nhất định phải làm để ngăn ngừa thoái hóa khớp gối

Lời kết

Thoái hóa khớp không đe dọa tới tính mạng của con người nhưng nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như teo cơ, tàn phế. Do đó, khi nghi ngờ có dấu hiệu bệnh, cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và chữa trị ngay lập tức. Mong rằng với những nội dung thông tin chi tiết mà chúng tôi chia sẻ có thể giúp ích được cho mọi người có cái nhìn tổng quản hơn về thoái hóa khớp.

Ngày viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *